X

HỘI CHỦ RỪNG VIỆT NAM

 Ghi chép của Phạm Đức Thiềng về rừng Quảng Ninh 3
X

Ghi nhận nhanh về Chủ trương trồng rừng gỗ lớn của Quảng Ninh tại xã Sơn Dương và Đồng Lâm

      Mặc dù diện tích rừng trồng của Quảng Ninh khá lớn, chiếm 67% diện tích đất có rừng của toàn tỉnh, nhưng chất lượng rừng trồng còn hạn chế và hiệu quả kinh tế chưa cao. Nguyên nhân là (i) do đa số chủ rừng trồng keo – loại cây mọc nhanh; (ii) chu kỳ trồng chỉ kéo dài 5-7 năm; và (iii) mỗi lần thu hoạch phải mở đường và đốt thực bì, gây ảnh hưởng đến môi trường.
      Trước tình hình đó, ngày 24/3/2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa. Chính sách hỗ trợ cụ thể như sau:
            - Cung cấp 100% kinh phí mua cây giống, tối đa 15 triệu đồng/ha
            - Cho vay vốn theo trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, tối đa 20 triệu đồng/ha và 200 triệu đồng/hộ gia đình
           - Nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 6%/năm
           - Thời hạn vay lên tới 25 năm
      Danh mục loài cây phát triển rừng trồng cây gỗ lớn, cây bản địa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bao gồm 30 loài, như Giổi xanh (Michelia mediocris), Mỡ (Manglietia glauca), Xoan đào (Prunus arborea), Chò nâu (Diptercarpus retusus), Lim xanh (Erythrofloeum fordii), Sao đen (Hopea odorata), Xoan ta (Melia azedarach), Quế (Cinnamomum verum), Hồi (Illicium verum), Thông caribe (Pinus caribaea), Thông nhựa (Pinus merkusii), Trám đen (Canarium tramdenum), v.v.
      Về cơ sở hạ tầng cho các cơ sở sơ chế, tỉnh có nhiều quỹ đất và sẵn sàng cho thuê 50 năm.
      Chính sách này sẽ được thực hiện trong thời gian 5 năm, từ 2021 đến 2025. Cán bộ Phòng kinh tế TP Hạ Long đã đi từng xã để tuyên truyền về chính sách. Trong năm 2022, đã có 159 hộ từ 10 xã/phương đăng ký với 351 ha trồng quế, giổi xanh, thông nhựa, trám đen, mỡ.
      Chủ trương trồng rừng gỗ lớn của tỉnh Quảng Ninh cũng nằm trong chủ trương trồng rừng gỗ lớn của Chính phủ. Quảng Ninh được quy hoạch là một trong 24 tỉnh có kế hoạch phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn (Quyết định số 774/QĐ-BNN-TCLN quy định 19 tỉnh và sau này bổ sung thêm 5 tỉnh Nam Trung bộ và Đông Nam bộ). Theo đó, Quảng Ninh được giao trồng mới 5.000 ha và trồng lại 10.000 ha rừng để kinh doanh gỗ lớn. Chính phủ có chính sách hỗ trợ các chủ rừng trồng các loài cây sản xuất gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi), cây đa mục đích, cây bản địa 8 triệu đồng/ha . Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có chính sách hạn chế xuất khẩu dăm gỗ bằng việc nâng mặt hàng dăm gỗ thuộc 2 mã hàng (HS 4401.21.00.90 và HS 4401.22.00.90) và tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ lên 2% .
      Tuy nhiên, tại tỉnh Quảng Ninh, số hộ đăng ký Nghị quyết 337 chưa nhiều. Một số hộ có nhiều rừng thì đăng ký một phần nhỏ. Trong quá trình triển khai thực tế, có một số khó khăn dưới đây:
      - Tỉnh đã có chủ trương, nhưng còn thiếu người hướng dẫn khi triển khai thực tế. Ví dụ, có hộ trồng bạch đàn ở nơi không phù hợp. Tỉnh mong muốn tiến hành điều tra đánh giá hiện trạng tài nguyên đất xem cây gì phù hợp với khu vực nào. Nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được vì không có đủ nguồn lực.
      - Keo là cây đã gắn với các hộ gia đình 20-30 năm nay. Đó là cây xóa đói giảm nghèo tốt. Mặc dù lợi nhuận không cao, nhưng cây keo vẫn mang lại cho các hộ gia đình một nguồn thu nhập ổn định theo chu kỳ 5-7 năm. Nhiều hộ chưa dám thay đổi vì không biết giống cây khác có phù hợp với đất của mình hay không. Khoảng 10 năm trước đây có hộ đã trồng dẻ và dổi rồi, sau nó lớn chậm, phải phá đi trồng keo. Đối với cây gỗ lớn, phải mất 20-25 năm họ mới biết liệu cây đó có hiệu quả hay không. 20-25 năm là một khoảng thời gian dài. Họ chưa biết lấy nguồn thu nhập ở đâu để duy trì cuộc sống trong khoảng thời gian đó. Vì vậy họ chưa dám đánh cược.
      - Chủ yếu người già không đi làm được thì ở nhà trồng rừng. Giờ họ trồng rừng gỗ lớn thì sợ không được thu hoạch. Họ trồng gì cũng chỉ tính đến hết đời mình, vì các con đi làm công nhân rồi.
      Có ý kiến cho rằng, chương trình trồng rừng gỗ lớn có thể chờ 10-20 năm nữa triển khai cho các hộ. Khi đó thế hệ trồng rừng bây giờ già đi. Thế hệ trẻ có nguồn thu khác sẽ giữ rừng trong dài hạn. Trước mắt, đối với chủ trương, nên sử dụng đất chung của xã.
      Trước những khó khăn kể trên, Hội đồng Nhân dân tỉnh đang xem xét sửa đổi Nghị quyết, bổ sung nội dung trồng cây dược liệu dưới tán rừng, để giúp chủ rừng có nguồn thu nhập trong ngắn hạn. Theo đó, các khoản hỗ trợ bổ sung bao gồm:
      - Hỗ trợ chủ rừng mua giống cây dược liệu, tối đa 15 triệu đồng/ha
     - Cho vay vốn để trồng và chăm sóc cây dược liệu dưới tán cây gỗ lớn, tối đa 20 triệu đồng/ha
      - Hỗ trợ chủ rừng trồng rừng không đốt thực bì: 3 triệu đồng/ha (hiện các hộ chưa trồng cây gì dưới tán rừng keo vì tập quán đốt thực bì)
      - Hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng: 500 nghìn đồng/ha
      - Hỗ trợ công bảo vệ diện tích rừng tự nhiên: 350 nghìn đồng/ha/năm

Phạm Đức Thiềng                       


      Quay về trang chủ