X

HỘI CHỦ RỪNG VIỆT NAM

 Ghi chép của Phạm Đức Thiềng về rừng Quảng Ninh 2
X

Chuỗi cung ứng gỗ rừng trồng tại xã Sơn Dương và xã Đồng Lâm

     Quảng Ninh là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Bộ - vùng có diện tích rừng trồng keo lớn nhất cả nước, chiếm 36% (Tô Xuân Phúc và nnk, 9/2021), có đường biên giới với Trung Quốc và cách Hà Nội 125 km. Đây là tỉnh miền núi, với hơn 80% đất đai là đồi núi. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 617.820 ha, trong đó đất có rừng là 234.772 ha, tương đương 38% .
      Cảng Cái Lân nằm tại TP Hạ Long là một trong những cảng lớn nhất Việt Nam, rất thuận tiện cho các hoạt động xuất nhập khẩu bằng đường biển.
      Sau khi huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long theo Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 2/10/2019, tổng diện tích tự nhiên của TP Hạ Long là 111.000 ha. Trong đó, có 86.000 ha rừng. Chủ rừng bao gồm 3 tổ chức do Sở và UBND quản lý, 8 lâm trường quốc doanh, 1 ban quản lý rừng, và các hộ gia đình (chiếm 2/3 diện tích).

      Bản đồ tỉnh Quảng Ninh (trước tháng 10 năm 2019)

      Sơn Dương và Đồng Lâm là 2 xã miền núi trước đây thuộc huyện Hoành Bồ, nay thuộc TP Hạ Long, cách trung tâm thành phố lần lượt 23 km và 28 km. Tại 2 xã này có 2 chi hội chủ rừng là chi hội thôn Vườn Rậm (xã Sơn Dương) và chi hội thôn Đèo Đọc (xã Đồng Lâm) được thành lập năm 2016. 2 chi hội này được Hội chủ rừng Việt Nam (VIFORA) và Viện Lâm nghiệp Châu Âu (EFI) chọn làm điểm nghiên cứu thí điểm.
      Bản đồ huyện Hoành Bồ (trước tháng 10 năm 2019)

      Xã Sơn Dương có tổng diện tích 7124 ha. Trong đó có 4576 ha đất rừng trồng, được giao cho 898 hộ trên tổng số 1444 hộ (62%). Hiện nay, xã có gần 6000 dân, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%, chủ yếu là người Sán Dìu và Tày. Thôn Vườn Rậm cách trung tâm xã 1 km.
      Xã Đồng Lâm có tổng diện tích 11.533 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 90%, chủ yếu là đồi núi dốc. Hiện nay, xã có khoảng 2700 dân, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%, chủ yếu là người Dao. Xã chính thức thoát nghèo năm 2017 (theo Chương trình 135 của Chính phủ), năm 2020 không còn thôn nghèo và 2021 không còn hộ nghèo. Xã phấn đấu đến năm 2025 phát triển thành vùng du lịch trải nghiệm và bảo tồn thiên nhiên. Thôn Đèo Đọc rộng 10 km2, cách trung tâm xã 15 km.
      Chuỗi cung ứng gỗ rừng trồng tại xã Sơn Dương và xã Đồng Lâm bao gồm 3 đối tượng chính là (1) chủ rừng trồng, (2) thương lái và (3) cơ sở sơ chế (dăm gỗ, ván bóc và ván xẻ).
      Sơ đồ chuỗi cung ứng

1. Các hộ trồng rừng

      Đất rừng trồng được giao cho các hộ dân trong 2 đợt, đợt một từ năm 1992 và đợt 2 từ năm 2002. Diện tích đất rừng trung bình của chi hội chủ rừng Vườn Rậm và chi hội chủ rừng Đèo Đọc lần lượt là 4,9 ha và 5,2 ha. Rừng cách nhà từ 1 đến 6 km. Đa số các hộ trồng keo (khoảng 90% diện tích), còn lại là quế và thông. Keo được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân ở đây.
      Chi hội chủ rừng Vườn Rậm có 30 hội viên với độ tuổi trung bình là 63 tuổi. Trong khi chi hội chủ rừng Đèo Đọc có 17 hội viên với độ tuổi trung bình là 53 tuổi.
      Khi có nhu cầu khai thác, chủ rừng sẽ thông báo. Thương lái từ các nơi sẽ đến tính toán và thỏa thuận giá. Ai trả được giá tốt hơn thì chủ rừng bán cho người đó. Các hộ thường bán vo cả vườn (bán cây đứng) cho thương lái vì thương lái có công cụ khai thác và có xe vận chuyển.

2. Thương lái

      Thương lái là các hộ trồng rừng trong cùng xã hoặc các xã lân cận. Họ có xe tải nhỏ (khoảng 2-2,5 tấn), giúp các hộ khai thác và vận chuyển gỗ. Nhiệm vụ của thương lái là thương lượng với chủ rừng, tham gia hoạt động khai thác khi cần (cắt cây hoặc bóc vỏ), lái xe, và thương lượng với cơ sở chế biến.
      Có 2 hình thức hợp tác giữa thương lái và chủ rừng: (i) Đối với các hộ có nhân lực khai thác, thương lái đưa xe tải đến, chở gỗ đi nhà máy, lấy tiền từ nhà máy rồi đưa tiền cho chủ rừng. Thương lái hưởng công vận tải. (ii) Đối với gia đình không có nhân lực khai thác, chủ rừng bán vo cho thương lái. Hai bên thống nhất mức giá, có tính toán chi phí làm đường và chi phí vận tải.
      Thương lái có thể sử dụng máy GPS để đo diện tích khu rừng, rồi ước tính khối lượng gỗ dựa vào kinh nghiệm, qua việc đo vanh cây gỗ và quan sát mật độ bằng mắt thường. Tỷ lệ chính xác khoảng 80-90%. Gỗ khai thác xong phải chuyển đi ngay trong ngày. Nếu không gỗ sẽ khô và bị hao. Cũng có thương lái tính sai, bị thua lỗ. Có thương lái thua lỗ, phải bán cả xe tải.
      Một đội khai thác khoảng 10 người. Họ là các lao động nhàn rỗi tại địa phương. Dụng cụ khai thác là cưa cầm tay, có thể do thương lái cung cấp hoặc do người lao động tự mang đến. Lao động tự trang bị thiết bị bảo hộ cá nhân cho mình, như khẩu trang, găng tay. Trước khi khai thác, người lao động được hướng dẫn an toàn lao động.

      Xe tải của một thương lái. Ảnh: Phạm Đức Thiềng

      Khách hàng của thương lái là các cơ sở sơ chế tại xã hoặc các nhà máy sơ chế trên địa bàn TP Hạ Long. Họ sẽ phân loại gỗ theo kích thước ngay tại rừng trước khi xếp lên xe tả. Kích thước do các cơ sở sơ chế yêu cầu theo từng thời điểm. Gỗ có đường kính lớn sẽ được bán cho các xưởng xẻ hoặc xưởng ván bóc. Gỗ có đường kính nhỏ sẽ được bán cho các cơ sở băm dăm. Thương lái thường thích bán gỗ có đường kính lớn hơn, vì (i) họ không phải tốn công bóc vỏ và (ii) khi cân sẽ cân cả vỏ. Nhưng tỷ lệ gỗ có đường kính lớn ở đây không nhiều.

3. Cơ sở sơ chế

      Gỗ ở xã Sơn Dương và xã Đồng Lâm nếu nhỏ thì được bán cho các cơ sở băm dăm trên địa bàn TP Hạ Long; lớn thì làm ván bóc cung cấp cho các cơ sở làm ván ép ở địa phương khác (Bắc Giang, Phú Thọ) hoặc xẻ làm cốp pha hoặc chất lượng tốt hơn thì bán cho cơ sở làm ván ghép thanh ở địa phương khác. Trên địa bàn 2 xã, có một vài xưởng xẻ quy mô hộ gia đình, không có cơ sở ván bóc nào (trên địa bàn TP Hạ Long trước đây, có 2 cơ sở sản xuất ván ép lớn, nhưng sau thất bại vì không có đủ nguyên liệu). Các cơ sở sơ chế mua gỗ qua thương lái chứ không mua trực tiếp từ gia đình.
      Một số xưởng xẻ tại xã Sơn Dương và xã Đồng Lâm. Ảnh: Phạm Đức Thiềng

      Các xưởng xẻ nhỏ có quy mô 1-3 lao động (chủ yếu là lao động gia đình) chỉ mua gỗ từ thương lái trong huyện, không mua gỗ từ huyện khác và cũng không mua gỗ trực tiếp từ các hộ gia đình. Thương lái cân gỗ tại trạm cân, rồi mang gỗ cùng phiếu cân đến xưởng xẻ bán xô. Tất cả gỗ to nhỏ không được phân loại, miễn là đảm bảo đường kính tối thiểu 15 cm, mà được bán cùng một giá. Mỗi năm họ sử dụng khoảng 300-400 m3 gỗ. Chủ yếu tập trung nhiều nhất vào tháng 3 và tháng 4 (mùa khai thác). Còn các tháng khác ít việc hơn, họ sẽ đi làm việc khác (họ cũng có rừng trồng). Đầu vào không cần chất lượng quá cao (ví dụ gỗ có nhiều mắt, gỗ bị mốc, hay gỗ bị nứt sau khi xẻ). Muốn mua gỗ tốt cũng không có, chỉ khoảng 10% đạt yêu cầu gỗ tốt thôi. Sản phẩm đầu ra của các xưởng xẻ nhỏ là ván xẻ làm cốp pha, cung cấp cho các đội nhóm xây dựng trong khu vực. phục vụ nhu cầu tại chỗ.

      Bàn cân xe tải tại một xưởng xẻ. Ảnh: Phạm Đức Thiềng

      Một số xưởng xẻ lớn hơn, có quy mô 4-6 lao động, có thể có cân tại xưởng. Nguồn cung đầu vào phải tuyển chọn gỗ. Khó khăn thiếu nguồn cung, phải thu mua từ các xã hoặc huyện khác. Thương lái alo thỏa thuận trước cho xưởng xẻ, nếu thống nhất thì chở gỗ tới. Đầu ra yêu cầu cao hơn. Xẻ quy cách theo yêu cầu của khách hàng. Khách hàng ở các tỉnh thành khác như Hải Phòng, Hải Dương. Một năm hoạt động khoảng 8 tháng đều việc.

Phạm Đức Thiềng                       


      Quay về trang chủ