X

HỘI CHỦ RỪNG VIỆT NAM

 Ghi chép của Phạm Đức Thiềng về rừng Quảng Ninh
X

Thực hành quản lý rừng của các hội viên tại 2 chi hội Vườn Rậm và Đèo Đọc ở Quảng Ninh

• Chu kỳ và mật độ

      Theo khuyến cáo, các hộ nên để chu kỳ trên 10 năm và trồng với mật độ 1600-2000 cây/ha. Tuy nhiên, trên thực tế, chu kỳ trồng keo phổ biến của các hộ là 6-7 năm. Đến nay các hộ đã trồng được 3-5 chu kỳ. Vì trồng trong chu kỳ ngắn nên họ trồng mật độ dày, khoảng trên dưới 3000 cây/ha. Và theo họ, khi trồng dầy, cây không phát triển cành ngọn, nên phát triển theo chiều cao nhanh.
      Nhiều hộ gia đình cũng biết rằng nếu trồng chu kỳ 6-7 năm thì mất công trồng lại, chăm sóc, làm hàng rào bảo vệ trâu bò khi cây còn nhỏ… Nếu để lâu hơn thì sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn. Nhưng 6-7 năm là khoảng thời gian đủ dài buộc họ phải có một khoản thu nhập để trang trải cho gia đình.

      Mật độ rừng keo giống mới của một hộ tại thôn Đèo Đọc. Ảnh: Phạm Đức Thiềng

• Các hoạt động trong một chu kỳ trồng rừng

      - Trồng cây: Thời gian trồng thường vào mùa xuân khi thời tiết mát mẻ. Các hộ thường cuốc hố lên rồi trồng cây ngay. Theo kỹ thuật, sau khi đào hố, các hộ nên để nửa tháng rồi mới trồng và đảo đất trên với dưới. Nhưng nếu làm như thế thì sẽ rất tốn công, các hộ không đủ nguồn lực để thực hiện.
      - Bón phân: Đa số chỉ bón lúc trồng, sau không bón nữa vì không có nguồn lực. Hộ nào có nguồn lực thì vẫn bón vãi trong năm tiếp theo.
      - Làm cỏ: Trung bình mỗi năm làm cỏ một lần. Lúc cây còn nhỏ thì 1 năm 2 lần. Lúc cây lớn thì 2 năm 1 lần.
     - Tỉa thưa: Không có nhiều hộ áp dụng tỉa thưa vì (i) tỉa thưa sợ cỏ mọc lên; (ii) sợ cắt cây này đập vào cây kia; (iii) không có đủ nguồn lực để thuê người làm công cao và làm đường vận chuyển; (iv) tâm lý bỏ thì tiếc, mất tiền mua cây giống, giờ lại chặt bỏ đi, (v) so sánh giữa tỉa thưa và không tỉa thưa thì thu nhập không chênh lệch bao nhiêu, vì vậy dành thời gian để làm việc khác. Cũng có hộ tỉa thưa, nhưng họ làm ngược. Đúng ra tỉa thưa là chặt cây bé, giữ lại cây to để phát triển. Nhưng họ lại chặt cây to bán còn giữ cây con chậm phát triển lại.
     - Khai thác: Thời gian khai thác thường tránh mùa mưa (khoảng tháng 7 và tháng 8) vì mùa mưa tốn nhiều công khai thác hơn và ô tô đi lại khó khăn. Các tháng khác thì rải rác, và tập trung nhiều vào cuối năm (khoảng tháng 11 và tháng 12) để nối vụ. Tuy nhiên, trong thời gian này có nhiều hộ khai thác nên giá sẽ thấp hơn 1-2 giá. Hộ nào muốn bán với giá tốt hơn thì khai thác vào thời điểm khác trong năm. Khi khai thác, các hộ tính khối lượng theo kinh nghiệm. Tỷ lệ chính xác 80-90%. Trước đây sau khi khai thác xong, vẫn có thể đi lấy được cả ô tô củi về. Giờ các hộ làm sạch, tận thu hết cả cành ngọn và gốc.
      - Xử lý thực bì: 100% các hộ đốt thực bì (lá và cành vụn) sau khi khai thác. Theo kinh nghiệm của các hộ, chỗ nào không cháy thì cỏ mọc nhiều và keo không mọc.

• Cây giống

      Cây giống là mối quan tâm lớn nhất của các hộ trồng rừng. Họ chưa hài lòng về chất lượng giống hiện tại vì giống không đồng đều, hay bị sâu bệnh và chậm lớn. Có một số hộ gia đình để được 10 năm, nhưng cây không lớn thêm được nữa. Họ muốn có loại giống tốt hơn. Tuy nhiên, lại chưa sẵn sàng trả giá cao hơn cho giống tốt hơn. Giống tốt hơn có giá cao hơn từ 2 đến 6 lần. Có thể họ chưa có niềm tin vào giống mới (giống mới cần thời gian để chứng minh) và bị chi phối bởi tâm lý đám đông (nhà nào cũng mua như vậy thì sao mình phải làm khác). Ngoài ra, họ cũng không quan tâm đến nguồn gốc giống. Khi đi mua giống, họ chỉ cần thấy lá tốt là chọn, chứ không hỏi ở đâu. Thậm chí nhiều khi các cơ sở cung cấp cũng không biết.
      Các hộ mua giống keo từ các cơ sở vườn ươm ở xã Sơn Dương hoặc thị trấn Trới (xã Đồng Lâm không có cơ sở vườn ươm). Các cơ sở vườn ươm cũng là các hộ có rừng trồng. Mặc dù có chủ trương trồng rừng gỗ lớn, nhưng các cơ sở vườm ươm chưa có kế hoạch phát triển giống khác ngoài keo vì các hộ ở đây chưa có nhu cầu.

      Cơ sở vườn ươm ở xã Sơn Dương. Ảnh: Phạm Đức Thiềng

• Kỹ thuật trồng và chăm sóc

      Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, có 8 lâm trường quốc doanh trồng rừng. Họ chuyển giao kỹ thuật trồng, quản lý và khai thác gỗ rừng trồng cho các hộ gia đình thông qua việc các hộ gia đình cung cấp lao động cho các lâm trường hoặc 2 bên ký hợp đồng giao khoán (các lâm trường góp đất và kỹ thuật, các hộ góp công). Sau khi giao khoán, lâm trường sẽ cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ.
      Tuy nhiên, các hộ chưa coi trọng các lớp tập huấn kỹ thuật. Đã có nhiều lớp tập huấn kỹ thuật được thực hiện, nhưng họ vẫn làm khác với kỹ thuật, ví dụ kỹ thuật về mật độ cây trồng và tỉa thưa.
      Khi mới được giao đất trồng rừng những năm 1990, ban đầu các hộ trồng xen, cứ 2 hàng bạch đàn thì trồng 1 hàng keo. Sau bạch đàn không lớn được, phải vứt bỏ. Ai trồng nhiều keo hơn thì có thu nhập cao hơn. Bây giờ sau 3-5 chu kỳ, keo lớn chậm hơn trước, nhưng các hộ cũng chưa biết trồng cây gì thay thế.

• Sâu bệnh hại

      Trên địa bàn 2 xã Sơn Dương và Đồng Lâm, có hiện tượng cây chết dần theo đám, như lây nhau, không kể cây to cây nhỏ. Nguyên nhân ban đầu được xác định có thể do mối kiến. Nó ăn từ gốc, tạo một đường thẳng lên ngọn và ăn hết cây này sang cây khác.

• Lao động

      Khi có việc (trồng cây, làm cỏ), các hộ đều phải thuê lao động địa phương, cả nam và nữ. Các hộ thỏa thuận với người lao động dưới 2 hình thức: khoán trắng hoặc thuê công nhật. Giá cao hay thấp phụ thuộc vào vị trí của lô rừng, càng xa thì giá càng cao.
      Có xu hướng dịch chuyển lao động. Người dưới 40 tuổi có sức khỏe thì đi làm công nhân cho các nhà máy nến, bao bì, may. Người trên 40 tuổi các nhà máy không nhận thì ở nhà làm lâm nghiệp. Sau khi huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long, có nhiều công ăn việc làm trong khu vực công nghiệp và dịch vụ hơn. Thành phố có chủ trương không để người đang trong độ tuổi lao động không có việc làm. Hàng tháng UBND các xã phải thống kê người trong độ tuổi lao động không có việc làm, để Thành phố đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho họ. Các hộ đang lo sợ, khoảng 10-20 năm nữa sẽ không còn ai làm lâm nghiệp nữa.

• Nhu cầu tín dụng

      Đối với nhiều hộ trồng rừng, thu nhập từ lâm nghiệp (từ rừng của mình và đi làm thuê cho các hộ trồng rừng khác) là thu nhập chính, nông nghiệp chỉ phục vụ gia đình. Một số hộ ở thôn Vườn Rậm, đất bằng hơn có thể trồng lúa, ổi, trồng màu (rau, dưa, mía, ngô). Còn các hộ ở thôn Đèo Đọc, đất nông nghiệp rất ít do địa hình dốc.
      Đa số là các hộ nghèo. 80-90% các hộ trồng rừng có vay vốn. Các hộ chủ yếu vay vốn từ Ngân hàng chính sách thông qua Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh để được hưởng ưu đãi. Tối đa mỗi hộ được vay 30 triệu trong vòng 5 năm với lãi suất 6%/năm. Đối với vùng nông thôn khó khăn có thể lên tới 50 triệu/hộ (từ khi huyện Hoành Bồ sáp nhập với TP Hạ Long thì chính sách này không được áp dụng nữa). Các hội giúp các hộ làm thủ tục. Ngân hàng thẩm định rồi cho vay. Đến giờ chưa có nợ xấu. Tất cả các khoản vay đều được trả đúng hạn theo thỏa thuận.
      Tuy nhiên, chu kỳ trồng cây là 6-7 năm, trong khi chu kỳ vay vốn là 5 năm. Các hộ chưa trả nợ cũ thì chưa vay được vốn mới. Số tiền đi vay chỉ đủ cho các hộ đầu tư vào trồng và chăm sóc rừng. Nếu gia đình không có nguồn thu nhập khác thì sẽ rất khó khăn.

Phạm Đức Thiềng                       


      Quay về trang chủ