X

HỘI CHỦ RỪNG VIỆT NAM

 GIAN TRUÂN NGHỀ GIỮ RỪNG

GIAN TRUÂN NGHỀ GIỮ RỪNG

      Từ lâu nay khi nói đến công tác bảo vệ rừng xã hội thường chỉ nghĩ đến một lực lượng đó là Kiểm Lâm. Tuy nhiên để bảo vệ rừng tại gốc thì có một lực lượng rất quan trọng đó là lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng mà hiện nay đã có danh phận là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong chống chặt phá rừng tại gốc và phòng cháy chữa cháy rừng. Họ là những người bám trụ thường xuyên trong rừng tại những nơi được gọi là thâm sơn cùng cốc với muôn vàn khó khăn thiếu thốn để giữ bình yên cho những cánh rừng.
      Theo chân những người thuộc lực lượng BVR chuyên trách tại Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương vào trạm BVR Khe Sướn và trạm BVR Khe Vều mới thấy hết được những khó khăn khổ cực mà các anh phải đối mặt. Từ BQL rừng PH TC muốn đến được trạm BVR Khe Vều phải đi hơn 50 km đến thị trấn Anh Sơn rẽ vào gần 30 km nữa vượt qua đồn Biên phòng Phúc Sơn 2km mới đến được trạm. Vào đến nơi thì thấy một trạm BVR, nói đúng hơn là túp lều BVR, của các anh đóng bên mép khe Vều. Nhà được làm bằng gỗ tạp thấp lè tè trên lợp tôn cũ đã thủng lỗ chỗ. Nước sinh hoạt thì dùng nước khe Vều, điện không có, sóng điện thoại cũng không có. Theo anh Giang, Trạm trưởng BVR, thì diện tích rừng phòng hộ trước đây do Tổng đội TNXP –XDKT 2 ( gọi tắt là Tổng đội 2) đảm nhiệm. Năm 2016 UBND tỉnh giao lại cho Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương. Diện tích rừng ở đây có trữ lượng còn lớn với các loài gỗ quý như Táu, De, Giổi. Tuy nhiên UBND tỉnh mới chỉ giao rừng và giao nhiệm vụ BVR nhưng chưa bố trí kinh phí xây dựng trạm BVR. Nguồn vốn của đơn vị thì không có nên lãnh đạo ban cùng anh em vận dụng được một số cây giỗ tạp do lâm tặc bỏ lại trước đây để dựng lên lán trại tạm bợ, lấy tôn cũ ở dưới Ban lên để lợp mái, có nơi chui vào chui ra. Về mùa nắng thì nóng vô cùng vì nhà thấp nên anh em mắc võng ngoài bờ khe để nằm, về mùa mưa lũ thì dột nước vào gần như khắp nhà rất khổ cực.
      Nhưng theo anh Giang là dù nơi ở khổ cực vậy nhưng các anh vẫn không lo bằng cảnh làm việc không lương. Mức lương thấp vì định mức bảo vệ rừng chỉ 100.000 đồng/ ha/ năm nên thu nhập của anh em BVR chỉ mức 4,0 triệu đồng/ người/ tháng nhưng lại rất bấp bênh. Năm nào cũng vậy từ tháng 1 đến tháng 7 thậm chí có năm đến tháng 12 nguồn kinh phí mới được phân bổ và giải ngân nên từ tháng 1 đến tháng 7 anh em không được chi trả một đồng lương nào, chỉ nhận được tạm ứng mỗi người 500 ngàn để trang trải tiền gạo mắm muối. Còn thức ăn anh em phải tự tăng gia như nuôi gà, lợn trồng rau cải thiện đời sống. Vừa nói anh Giang vừa đưa tôi ra thăm vườn các anh khai hoang sản xuất và khu vực chăn nuôi gà, vườn chỉ khoảng 50 m2 nhưng những luống rau xanh mơn mởn, và đàn gà hơn 30 con rất đẹp bên cạnh đó còn có chuồng nuôi dê với 2 con dê mạ và gần chục con dê thịt.
      Khó khăn là thế nhưng nhiệm vụ vô cùng nặng nề 4 người bảo vệ 4.000 ha rừng giáp biên giới Việt Lào và huyện Anh Sơn. Khu vực rừng Khe Vều này nhiều năm trước đây là điểm nóng về khai thác gỗ và lâm sản trái phép của tỉnh. Nhưng từ khi nhận nhiệm vụ đến nay mặc dù có rất nhiều khó khăn về nơi ở công tác và đời sống, chúng tôi vấn quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phối hợp với đồn Biên Phòng Phúc Sơn, Đội Kiểm lâm cơ động số 2 để tăng cường tuần tra ngăn chặn các hành vi phá rừng. Do đó từng bước hạn chế các hành vi khai thác rừng và từ đầu năm 2020 đến nay không để xảy ra vụ khai thác rừng trái phép nào; rừng Khe Vều đã bình yên trở lại.
      Rời trạm BVR Khe Vều chúng tôi theo đường tắt qua rừng cao su của Công ty cao su xuống trạm BVR Khe Sướn. Con đường vào trạm BVR Khe Sướn vô cùng gian nan vất vả. Từ ngoài đường Hồ Chí Minh đoạn xã Thanh Đức vào đến trạm BVR gần 20km nhưng phải đi hết hơn 1 tiếng mới đến nơi. Cũng như trạm BVR Khe Vều, Trạm BVR Khe Sướn cũng là một ngôi nhà gỗ lợp tôn thấp lè tè tạm bợ nằm bên bờ khe Sướn giữa rừng sâu đại ngàn. Cũng không điện sinh hoạt, không điện thoại, không ti vi, và lấy nước khe làm nước sinh hoạt. Trạm BVR Khe Sướn có 4 người bảo vệ gần 4.000 ha rừng tự nhiên phòng hộ. Trạm trưởng là anh Bùi Sỹ Khanh người có hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp lâm nghiệp. Các anh cũng tâm sự là nghề quá bạc bẽo, nhất là những đồng chí còn trẻ khỏe. Nguồn thu nhập đã thấp lại bấp bênh trong lúc yêu cầu nhiệm vụ thì cao, trách nhiệm nặng nề, mỗi tháng chỉ được nghỉ 4 ngày chia làm 2 đợt. Khu vực này trước đây cũng thuộc rừng Tổng đội TNXP 2 chuyển sang. Tình hình khai thác vận chuyển gỗ diễn biến vô cùng phức tạp rất khó khăn trong công tác ngăn chặn. Mỗi đợt tuần tra của các anh kéo dài từ 2-3 ngày vì địa hình dốc và hiểm trở. Ở đây các anh cũng được lãnh đạo Ban cho tạm ứng mỗi tháng 2 triệu để bảo đảm gạo mắm muối, còn thức ăn chủ yếu tự túc như trồng rau, nuôi gà, lợn và bắt cá dưới khe. Như anh Khánh, anh Toản tâm sự là lỡ theo nghề hơn 20 năm chứ cũng nản lắm rồi, làm việc mà 7-10 tháng mới có lương, hàng tháng phải về xin vợ hoặc đi vay nợ để ăn rất khổ tâm. Nhất là khi vợ con ốm đau, đóng tiền học.. thì không biết xoay xở ở đâu. Không biết rồi có đủ sức để theo nghề nữa hay không.
      Các anh cũng tâm sự thẳng thắn là làm công tác BVR này cơ chế chưa phù hợp, đời sống rất vất vả, nhiệm vụ rất nặng nề, đặc biệt là nhiều cám giỗ cạm bẫy, nếu không có bản lĩnh và xác định rõ tư tưởng sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Bởi trong điều kiện mình khó khăn như thế thì lâm tặc và các đầu nậu gỗ sẵn sàng chi lót tay 5-10 triệu đồng cho anh em để làm lơ cho họ vào rừng khai thác gỗ là chuyện bình thường. Nhưng chúng tôi đã xác định mình là người giữ rừng thì không được tiếp tay cho các đối tượng phá rừng. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Tuy nhiên chúng tôi cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh và các cấp có thẩm quyền xem xét có chính sách phù hợp và nâng cao đời sống cho lực lượng chuyên trách BVR của các Ban quản lý rừng phòng hộ. Đặc biệt là giải quyết kinh phí bảo vệ rừng ngay từ đầu năm cho chúng tôi vì đây là thời gian trước trong và sau tết nguyên đán, tình hình về khai thác gỗ và lâm sản diễn biến hết sức phức tạp, người bảo vệ rừng phải bám rừng 24/24 giờ để hoàn thành nhiệm vụ.
     Rời trạm BVR chia tay các anh lòng tôi không khỏi bùi ngùi; từ trước đến nay tôi cứ nghĩ chỉ có những người lính biên phòng canh giữ biên giới, những thầy cô giáo cắm bản vùng sâu vùng xa mới phải chịu nhiều gian khổ thiếu thốn mọi bề. Nhưng bây giờ tận mắt được chứng kiến cuộc sống của những người cán bộ chuyên trách BVR mới thấy hết nỗi gian truân của họ. Như một anh BVR vùng trên nói đùa các cô giáo cắm bản vùng cao khổ và buồn đấy, nhưng chúng tôi muốn tìm bạn nói chuyện làm vui phải trèo đèo lội suối đi ra 5-10 km mới đến được trường học để kết bạn với các cô giáo đấy. Mọi sự so sánh là khập khiễng nhưng với thời đại ngày nay khi mà mức thu nhập của lao động phổ thông không cần qua trường lớp đào tạo đã ổn định 5-6 triệu đồng/ người/ tháng. Thì với mức thu nhập trên dưới 4 triệu đồng/ tháng của những kỹ sư lâm nghiệp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng chuyên trách thì quả thực làm sao họ có thể bám rừng làm nhiệm vụ nếu không có một tình yêu nghề yêu rừng xuất phát từ trái tim mình.
      Mong sao các cấp lãnh đạo có thẩm quyền nghiên cứu xem xét có cơ chế phù hợp để ổn định đời sống cho anh em BVR yên tâm công tác và vợ con họ cũng khỏi phải tủi hổ trong lòng…. ( còn nữa)

Khánh Lê                       


      Quay về trang chủ