X

HỘI CHỦ RỪNG VIỆT NAM

 GIAN TRUÂN NGHỀ GIỮ RỪNG

GIAN TRUÂN NGHỀ GIỮ RỪNG
(phần 2)

      Trong phần 1 của gian truân nghề giữ rừng tôi viết nên một số vấn đề về nỗi vất vả về sinh hoạt và đời sống của người BVR chuyên trách. Ở bài này tôi viết về nỗi chuân truyên của chủ rừng Nhà nước và lực lượng BVR chuyên trách của họ, chủ rừng nhưng có thực sự được làm chủ.

      Do cơ chế chưa phù hợp và một số chính sách chưa đồng bộ nên nhìn chung đời sống của lực lượng BVR chuyên trách đang có nhiều khó khăn vất vả như lương thấp, chậm lượng 7-8 tháng ... Thì bên cạnh đó có một khó khăn vất vả nữa đang đè nặng lên vai chủ rừng và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng mà cụ thể là các ban quản lý rừng phòng hộ.
      Hôm nay tôi cùng các anh thực hiện chuyến tuần tra rừng tại gốc, công tác chuẩn bị đã thấy được sự vất vả của người cán bộ BVR đi tuần. Họ chẳng khác gì bộ đội chuẩn bị hành quân dã ngoại. Mỗi người 1 ba lô, tăng, võng, đèn pin, thêm một bộ đồ bảo hộ, 1 chiếc chăn mỏng, 1 can đựng nước 2 lít, dao đi rừng. Một người cõng riêng mấy cân gạo, thực phẩm, gia vị như nước mắm, muối vừng. Sau lưng ba lô treo tòng teng mấy chiếc nồi nhôm và vật dụng cần thiết khác. Quần áo chuyên ngành, mũ, chân đi xà cạp bịt chặt kéo lên đến đầu gối và dép rọ, người thì đi dày cao cổ của bộ đội. Các anh nói phải đi xà cạp để ngăn bớt vắt vì vào rừng giữa lúc mưa nắng bất thường này vắt nhiều vô kể.
      Hành trình từ trạm BVR Khe Vều đi vào đến rừng phòng hộ khoảng 3 km nhưng chúng tôi đi mất hơn 1 tiếng rưỡi qua rừng tự nhiên sản xuất do công ty cao su quản lý. Đến ngã ba khe Lào và khe Ốp lốp tạm nghỉ giải lao trước khi leo dốc lên rừng phòng hộ. Đường đi dốc núi cheo leo rậm rạp, theo anh Giang, Trạm trưởng thì trước đây do nạn khai thác gỗ lậu nhiều nên lâm tặc làm đường đi và đường kéo gỗ do đó dễ đi, nhưng 2 năm nay chúng tôi cương quyết truy quét thường xuyên nên không còn tình trạng khai thác gỗ lậu nữa, do đó các đường mòn lối mở đã bị cây cỏ thực bì mọc che khuất, giờ đi phải vừa đi vừa phát dọn, để leo lên đến đường biên giới Việt Lào phải mất gần 1 ngày, tối nay phải ngủ lại giữa rừng.
      Theo anh Th. Trưởng phòng BVR của Ban QLRPH thì để đưa được cánh rừng khu vực Khe Vều này trở lại bình yên, chúng tôi từ Lãnh đạo Ban đến anh em BVR chuyên trách đã phải lao tâm khổ tứ, dày công lắm. Vì khu vực này, rừng thì của huyện TC nhưng người dân ở ngoài lại của huyện khác. Do đó việc nắm bắt thông tin, tuyên truyền vận động và ngăn chặn rất khó khăn. Khu rừng này trữ lượng gỗ lại đang còn lớn nên là trọng điểm khai thác gỗ lậu của các chủ đầu nậu người AS. Công việc vô cùng nặng nề, 4 người bảo vệ 4.000 ha rừng đầu nguồn sát biên giới Việt Lào lại là một trong những điểm nóng về khai thác rừng của tỉnh. Trong lúc chức năng quyền hạn của chúng tôi thì còn nhiều bất cập. Theo Nghị định 01/NĐ-CP về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trong đó quy định lực lượng chuyên trách BVR có chức năng nhiệm vụ là kiểm tra ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, lập biên bản kiểm tra ban đầu, bảo quản tang vật vi phạm và báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của Pháp Luật. Thực tế rất khó khăn trong việc thực hiện, nhất là khi phát hiện ra lâm tặc đang khai thác gỗ tại hiện trường. Chúng tôi rất khó khăn trong việc bắt giữ người vi phạm và việc lập biên bản, hồ sơ ban đầu, vì đa số các trường hợp là các đối tượng bỏ chạy hoặc không hợp tác. Do đó hồ sơ ban đầu khi bàn giao cho cơ quan chức năng thì không đầy đủ thông tin để cơ quan chức năng điều tra xác minh đối tượng vi phạm và xử lý. Việc điều tra xác minh của các cơ quan chức năng thì kéo dài nên công tác bảo vệ hiện trường bảo quản tang vật rất vất vả. Khi không có đối tượng để xử lý lại quy trách nhiệm cho chủ rừng là thiếu tinh thần trách nhiệm để phá rừng. Nhẹ thì bị kỷ luật, nặng thì bị khởi tố hình sự và vào tù như chơi.
      Hầu hết lực lượng chuyên trách BVR chưa được tập huấn nghiệp vụ tuần tra rừng, kỹ năng lập biên bản hồ sơ ban đầu đúng quy định, kỹ năng xử lý tình huống khi đối mặt với lâm tặc. Nên trong thực hiện nhiệm vụ anh em còn rất lúng túng và gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó thẩm quyền lại hạn chế chỉ ở mức lập biên bản ban đầu, không có quyền bắt giữ người, vũ khí công cụ hỗ trợ là gậy và tay không nên hầu hết các đối tượng vi phạm lâm luật không sợ cán bộ BVR chuyên trách (trừ trường hợp mình có lực lượng đủ mạnh để áp đảo). Thậm chí việc lâm tặc ngang nhiên chống lại BVR chuyên trách là thường xuyên xảy ra, có khi gây thương tích, nguy hiểm cho cán bộ BVR. Cách duy nhất mà BVR chuyên trách là dùng điện thoại quay chụp lại làm chứng cứ, rồi nhẹ nhàng vận động đối tượng để làm sao lập được biên bản phạm pháp quả tang và để họ ký được biên bản làm căn cứ gửi cơ quan kiểm lâm. Tuy nhiên những người đi khai thác rừng hầu hết là những lao động nghèo khó, học hành hạn chế. Họ cũng vì miếng cơm manh áo hàng ngày nên khi bị phát hiện họ sẽ bỏ chạy, nếu bắt được cũng không khai rõ tên và địa chỉ và không chịu ký biên bản. Do đó hồ sơ ban đầu rất khó thực hiện, nếu thực hiện được thì việc cơ quan chức năng tìm cho ra người này để xử lý cũng khó khăn.
      Chuyện nghe cứ tưởng là đùa cho vui nhưng nó đã tồn tại hàng chục năm rồi. Trước đây khi chưa có Thông tư 08/TT-BNN, lực lượng BVR chuyên trách chưa có tên và chưa có quy định về đồng phục, phù hiệu cấp hiệu thì việc thực hiện nhiệm vụ càng khó khăn hơn. Theo các anh kể có những lúc phát hiện lâm tặc tiến hành truy đuổi thì bọn lâm tặc nói với nhau đây là Kiểm Lâm đểu đừng sợ và sẵn sàng chống trả. Theo anh Th. Trưởng phòng BVR thì để ngăn chặn được nạn phá rừng bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra rừng, các anh còn phải tìm hiểu về các đối tượng khai thác rừng, đến tận nhà tâm sự tuyên truyền nhờ cả bố mẹ, anh em họ hàng của họ khuyên bảo thậm chí còn hướng dẫn cho họ đổi nghề thì họ mới không vào rừng khai thác gỗ trái phép.
      Thương lắm những người ngày đêm lam lũ vất vả giữ rừng, họ cũng có vợ con, gia đình, ông bà cha mẹ. Con cái đang tuổi học hành mà mỗi tháng bố chỉ được về nhà 4 ngày chia làm 2 đợt. Lương bổng thì đã ít ỏi lại hàng tháng trời không có, khi về nhà đã không có tiền mua quà cho con có lúc còn phải xin vợ tiền đổ xăng xe để đi. Thế nhưng như các anh nói đã lỡ theo nghiệp rồi nên đành phải theo. Những người như anh Th. Anh G. và lực lượng chuyên trách BVR nói chung khác với lực lượng kiểm lâm. Kiểm lâm giờ đây chủ yếu là tham mưu cho chính quyền địa phương về mặt quản lý nhà nước trong bảo vệ rừng PCCR. Và họ có đầy đủ chế độ, lương, phụ cấp công vụ, phụ cấp nghề ... Nếu có rủi ro thì được chế độ đầy đủ của công chức nhà nước. Còn những người BVR chuyên trách thì phải chịu nhiều thiệt thòi, đổ bao mồ hôi, nước mắt và cả máu cho màu xanh của rừng nhưng vẫn chưa được xã hội công nhận là lực lượng nòng cốt trong công cuộc bảo vệ rừng, bảo vệ màu xanh thân yêu.
      Vậy đấy! vẫn còn nhiều những câu chuyện buồn về những người lính bảo vệ rừng chuyên trách của các Ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty Lâm nghiệp. Đã bao năm rồi họ vẫn còn phải ôm đầy những trăn trở xót xa, làm nghề mà ai cũng trông đủ năm đủ tháng để mà nghỉ. Các anh mong ước duy nhất là có chế độ lương ổn định đảm bảo cuộc sống bình dân và tăng thêm thẩm quyền để các anh hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc chiến BVR.
      Ba năm nay rừng TC nơi anh Thịnh anh Giang công tác nói riêng và trên cả tỉnh nói chung đã bình yên trở lại, không còn các điểm nóng về phá rừng gây bức xúc dư luận. Đây là một nỗ lực không nhỏ của các anh những người BVR chuyên trách nhưng vẫn còn đó những bất cập về cơ chế, chính sách cho những người giữ rừng mà các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu xem xét để sửa đổi bổ sung./.

Khánh Lê                       


      Quay về trang chủ