X

HỘI CHỦ RỪNG VIỆT NAM

 Cách hoạt động của tổ chức cơ sở HCRVN

Đại biểu dự đại hội thành lập hội 8-9/11/2016, Ảnh Lê Khắc Côi.

Đại biểu dự đại hội thành lập hội 8-9/11/2016 biểu quyết tán thành Điều lệ hoạt động của hội, Ảnh Lê Khắc Côi.

Nhà giàn vườn ươm cây lâm nghiệp, Ảnh Hứa Đức Nhị ghi lại tại Thừa Thiên Huế, tháng 12/2005.

Rừng Vườn quốc gia Bạch Mã, Ảnh Hứa Đức Nhị ghi lại năm 2006.

VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC CƠ SỞ CỦA HỘI CHỦ RỪNG VIỆT NAM

      Trong khuôn khổ Dự án VIFORA (Hội Chủ rừng Việt Nam) của tổ chức Trung tâm vì con người và rừng - Recoftc, trong những ngày cuối tháng sáu 2017 vừa qua, tại TP Bắc Giang, Recoftc đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ chủ chốt của các chi hội HCRVN thuộc ba tỉnh (Quảng Ninh, Phú Thọ và Sơn La) về phát triển rừng bền vững. Trong ngày khai mạc đợt tập huấn này, ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch HCRVN, đã có một số trao đổi về các hoạt động của các tổ chức cơ sở Hội Chủ rừng Việt Nam. Ban biên tập trang website HCRVN trân trọng chuyển tới độc giả lược ghi bài trao đổi này của ông Hứa Đức Nhị để hội viên và độc giả cùng tham khảo.

      1- Về các tổ chức cơ sở của Hội Chủ rừng Việt Nam:
      Hội Chủ rừng Việt Nam đã tổ chức đại hội thành lập trong hai ngày, mùng 8-9/11/2016. Điều lệ Hội được Bộ Nội vụ phê duyệt tại QĐ 1759 ngày 17/5/2017 của Bộ Nội vụ. Sau khi điều lệ được phê duyệt, Hội đã làm con dấu và đăng ký mở tài khoản tại ngân hàng để hoạt động. Ban Thường vụ Hội cũng đã có quyết định lập trang website của hội.
      Vừa qua, Ban Thường vụ hội đã có quyết định thành lập sáu tổ chức chi hội, một tổ hội cơ sở tại các tỉnh Quảng Ninh, Phú Thọ, Sơn la và Hải Dương.
      Tổ chức các hoạt động tại chi hội, tổ hội một cách thiết thực là một yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ rất quan trọng của các chi hội, tổ hội.

      2- Tổ chức Hội Chủ rừng Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp; Như nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp khác, hoạt động của HCRVN cũng khó tránh khỏi những khó khăn trong cách thức hoạt động của mình, khi mà các hoạt động này có phần mới mẻ với nhiều người.
      Hoạt động của một tổ chức xã hội nghề nghiệp có phần giống với nhiều tổ chức khác, nhưng cũng có phần rất khác so với hoạt động của một tổ chức nhà nước, của tổ chức Đảng hay các tổ chức chính trị xã hội.
      Hoạt động của HCRVN, của các tổ chức của HCRVN phải dựa trên nguyên tắc mà tôn chỉ, mục đích của Hội đã quy định (trong điều lệ hội), theo đó: “Hội Chủ rừng Việt Nam (gọi tắt là Hội) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quản trị rừng, trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ rừng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.”
      Chúng ta có thể hình dung những khác nhau trong các hoạt động của tổ chức xã hội nghề nghiệp với các tổ chức khác ở những điểm sau:
      + Những người tham gia hội là tự nguyện và không bị bắt buộc ngoài việc tự nguyện ghép mình vào khuôn phép của Điều lệ Hội; Nếu thấy không thể theo được điều lệ hội thì tự mình ra ngoài hội; Việc kỷ luật hội viên chỉ đặt ra khi họ làm việc gây hại cho hội.
      + Hội viên tham gia các hoạt động của hội trước hết là vì lợi ích của bản thân mình, nếu có những hoạt động đóng góp cho hội và cho những người khác cũng là vì mình cũng có những lợi ích từ những đống góp của mình và đóng góp của những hội viên khác;
      Một ví dụ: Mình tham gia vào việc bảo vệ rừng chung cho mọi người thì rừng của mình cũng được bảo vệ.
      + Những vấn đề mà hội quan tâm là lợi ích của hội viên; Những vấn đề mà HCRVN quan tâm không phải là mọi vấn đề chung (như các tổ chức nhà nước, các tổ chức Đảng hay các tổ chức chính trị xã hội) mà là những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, là những khó khăn trong việc làm rừng, trong việc quản trị rừng..

      3- Các hoạt động của tổ chức hội cơ sở?
      Hội viên và các tổ chức hội ở cơ sở có thể có các hoạt động, như:
      + Các cuộc họp chi hội, tổ hội;
      + Đề đạt, thu thập ý kiến của hội viên;
      + Hoạt động cụ thể của những hội viên được tập thể phân công;
      + Các hoạt động tập huấn, tham quan học hỏi;
      + Hội viên cùng tham gia vào những việc, những dự án cụ thể..

      - Về các cuộc họp của tổ chức hội:
      Khác với nhiều cuộc họp của các tổ chức khác, tuân thủ tôn chỉ, mục đích tổ chức hội, các cuộc họp định kỳ, hay đột xuất của tổ chức hội cơ sở cần cùng nhau nêu lên những khó khăn, thuận lợi của mỗi hội viên đang gặp phải, nhất là những khó khăn trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, về làm rừng, về những khó khăn trong việc thực thực hiện kế hoạch hoạt động của tổ chức hội đã đề ra từ trước.. sau đó là bàn và thống nhất về những biện pháp mà chi hội, tổ hội có thể khắc phục những khó khăn đó.
      Trong các biện pháp khắc phục có thể có những biện pháp lâu dài: Thống nhất có tiếng nói kiến nghị với Nhà nước, với tổ chức cấp trên.. hay các biện pháp căn cơ lâu dài mà tổ chức hội cần tổ chức thực hiện; Đặc biệt tổ chức hội cần bàn những biện pháp khắc phục khó khăn cụ thể mà chi hội và tập thể hội viên phải thực hiện – và đây là nội dung đặc biệt quan trọng.

      - Các hoạt động hay giải pháp mà tổ chức hội cơ sở có thể làm để khắc phục những khó khăn của hội viên hay có các hoạt động vì lợi ích của HV:

      + Khó khăn về bảo vệ rừng:
      Bảo vệ rừng bao gồm việc chống người khác vào rừng chặt phá, phòng chống lửa rừng, phòng chống sâu bệnh hại rừng, các hoạt động xây dựng các công trình bảo vệ rừng chung cho cả cộng đồng (như đường ranh cản lửa, phòng chống lở đất rừng ven biển,,,);
      Xây dựng quy ước bảo vệ rừng của thôn bản, của xã.. có sự liên hệ với kiểm lâm và công an địa bàn; Mọi người, mọi hội viên đều có trách nhiệm bảo vệ rừng của mình và của mọi người trong thôn, trong xã; cùng nhau đấu tranh với những người phá hoại rừng, đấu tranh với những nguyên nhân mất rừng tiềm tàng (kể cả việc chọn giống cây trồng phù hợp); Có các quy ước trong cách thức thông tin nội bộ trong việc phát hiện và xử lý vệc mất rừng;
      Kết hợp với thôn bản cử người phụ trách các hoạt động bảo vệ rừng; Mọi hội viên và mọi người đều có ý thức nêu vấn đề mất rừng ra cuộc họp tổ chức hội hay nếu phát hiện ra hiện tượng mất rừng thì báo ngay cho người có trách nhiệm và tự mình có trách nhiệm ngăn cản việc mất rừng trong khả năng và điều kiện cho phép;
      Có sự phối hợp tốt với các thôn bản và các chủ rừng liền kề với mình;

      + Khó khăn về hoàn chỉnh hồ sơ tài liệu chủ rừng (bìa đỏ..):
      Các hồ sơ tài liệu này chủ yếu là bìa đỏ và các tài liệu liên quan đến rừng, là có được giao đất giao rừng với các khoảnh rừng mà mình đang quản lý hoặc có được do thừa kế, sang nhượng
      Trong tổ chức chi hội có phân công và giao trách nhiệm cho ít nhất vài người tìm hiểu các quy định về việc này (việc giao đất giao rừng, về quản lý địa chính, bản đồ, về sổ đỏ, về các thủ tục của nhà nước, về các đầu mối tại cơ quan nhà nước về vấn đề này); Khi chủ rừng nào đó có nhu cầu thì trao đổi ngay tại tổ chức hội; tổ chức hội tạo điều kiện có sự trao đổi giữa chủ rừng với những người am hiểu việc này, thậm chí là đưa chủ rừng đến cơ quan nhà nước có trách nhiệm..
      Những khó khăn trong hồ sơ về rừng của mỗi chủ rừng cũng có thể được trao đổi kỹ trong tổ chức hội để hội viên và chủ rừng hiểu cặn kẽ hơn các quy định của nhà nước và các quyền và lợi ích phù hợp của chủ rừng;

      + Khó khăn về đo đếm, nhận biết về diện tích, trữ lượng rừng và các tài liệu về rừng tại cơ quan quản lý rừng:
      Hiện nay ngành lâm nghiệp đã có các tài liệu điều tra, kiểm kê rừng, trong tương lai gần sẽ có các khả năng mọi chủ rừng có thể tiếp cận thông qua mạng interrnet; tuy nhiên, vào mạng để tra tìm tư liệu về rừng của mình cũng phải am hiểu về máy tính và mạng, vì vậy, tổ chức hội ở cơ sở hoặc tự mình phân công hội viên nào đó lo việc này cho các hội viên khác, hoặc HCRVN sẽ tổ chức dịch vụ này cho mọi hội viên ở cả nước.

      + Khó khăn trong việc xin phép khai thác sử dụng rừng:
      Các quy định về quản lý rừng hiện khá nhiều, do rừng có nhiều loại, nhiều mục đích sử dụng, việc vận dụng các quy định này ở mỗi địa phương cũng có khác nhau;
      Cũng như việc nắm bắt tư liệu về rừng nêu trên, các tổ chức hội cũng nên phân công có người am hiểu việc này để lo giúp mọi hội viên của mình, mỗi khi hội viên có nhu cầu đến cơ quan nhà nước lo thủ tục về khai thác rừng, nhất là đối với rừng tự nhiên;

      + Khó khăn trong việc tìm hiểu thị trường và tìm người mua, giá cả, hợp đồng.. mua bán gỗ:
      Hiện ở nhiều địa phương có khá nhiều người tìm đến mua lâm sản, song ở vài địa phương khác lại có ít thông tin về người mua (do hàng hóa lâm sản ở đó chưa nhiều); trong tổ chức chi hội, tổ hội nên phân công một số hội viên phụ trách việc này.
      Các hội viên được phân công nên tập trung tìm hiểu các thông tin từ trên mạng, các thông tin mua bán ở địa phương khác (cũng có thể phân công trong nhóm để nắm thông tin này); Sau đó chi hội có thể tổ chức trao đổi và lựa chọn các phương án khách hàng cũng như giá cả để các hội viên, các chủ rừng có thông tin để thỏa thuận việc mua bán với người mua hàng.
      Nếu chưa thống nhất được việc mua bán lâm sản trong tổ chức hội, các hội viên khi cần bán lâm sản cũng có thể trao đổi trực tiếp với các hội viên được phân công như trên để có những thông tin cấn thiết trước khi gặp người mua để bán lâm sản của mình.
      Với những tổ chức hội có khả năng hơn cũng có thể có sự thống nhất chung về giá cả và lựa chọn khách hàng để bán, tuy nhiên rất cân nhắc việc mua bán chung cho các hội viên của tổ chức hội vì đây là việc rất phức tạp, khó quản lý lâu bền..

      + Khó khăn trong khai thác, vận chuyển gỗ khai thác ra khỏi rừng (cả vấn đề đường xá):
      Trong tổ chức hội có thể đưa ra bàn chung, tìm các giải pháp và phương án làm đường, phương án tổ chức khai thác tốt nhất trên địa bàn;
      Hiện Nhà nước có chính sách hỗ trợ mở đường vào các khu đất rừng, tuy nhiên nếu việc mở đường lại đòi hỏi thêm chi phí đền bù thì việc hỗ trợ mở đường của Nhà nước sẽ trở nên không khả thi; Vì vậy các tổ chức chi hội, tổ hội nên trao đổi, thống nhất việc làm đường, có phương án mở đường tối ưu, vận động các chủ rừng có liên quan cùng bỏ đất ra để mở đường, sau đó có kiến nghị với cơ quan có trách nhiệm của nhà nước hỗ trợ mở đường theo chính sách..

      + Khó khăn trong khâu xác định cây trồng, giống cây trồng:
      Việc xác định trồng cây gì, giống nào, mua giống của ai, trồng cây ngắn ngày hay dài ngày (đấy là chưa kể đối với rừng phòng hộ hay rừng sản xuất, trồng trên đất rừng trồng hay rừng tự nhiên).. là khá khó khăn với mỗi chủ rừng. Tình trạng chung hiện nay là trồng và làm rừng theo phong trào, thấy người khác làm thế nào thì mình làm theo.
      Tổ chức HCRVN cũng đặt ra nhiệm vụ của mình là tận dụng tối đa mọi nguồn lực (kế cả nguồn lực Nhà nước, nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước, nguồn lực từ nội bộ hội) có các biện pháp nâng cao năng lực cho hội viên của mình để phát triển rừng.
      Tuy nhiên, vấn đề chính và rất quan trọng vẫn phải là giải quyết vấn đề của mỗi hội viên tại chỗ, tại chính tổ chức hội ở cơ sở, bởi mỗi địa phương và cơ sở có điều kiện của riêng mình, có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, có tình hình thị trường và điều kiện kinh tế xã hội khác nhau;
      Mỗi chi hội, tổ hội vẫn cần phân công một số hội viên có kinh nghiệm, có điều kiện và am hiểu vấn đề phụ trách.
      Những người được phân công vừa tìm hiểu tình hình rừng của các chủ rừng, tìm hiểu thông tin có liên quan, vừa phản ảnh với các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm về những vấn đề của mình để có lời khuyên tốt nhất, vừa đưa vấn đề ra tổ chức hội, trao đổi với các hội viên để có cách lựa chọn tốt nhất;
      Hết sức chú ý việc giám sát tập thể chất lượng hạt giống, giám sát giống theo hành trình. Đây là việc rất phức tạp, nhưng nếu có tổ chức hội, vấn đề có thể sẽ được giải quyết đơn giản hơn nhiều.

      + Khó khăn trong việc tìm nguồn vốn đầu tư phát triển rừng, trong việc cần khai thác sớm trước tuổi để đáp ứng nhu cầu đột xuất của gia đình:
      Việc tìm nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ đầu tư có thể cần có thông tin, vì vậy trong tổ chức hội cũng cần phân công người có trách nhiệm lo việc này;
      Hiện Nhà nước cũng có các chính sách cho vay ưu đãi trồng rừng, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân mà nhiều chủ rừng chưa tiếp cận được cơ chế vay này; Tổ chức hội ở cơ sở rất cần trao đổi, giúp đỡ các chủ rừng cần vay tiếp cận cơ quan tín dụng về thủ tục, về các cơ chế tín chấp (nếu cần);
      Việc chủ rừng phải khai thác rừng sớm do những khó khăn của chủ rừng hoặc đột xuất có nhu cầu, trong tổ chức hội cơ sở cũng có thể trao đổi, hỗ trợ nhau bằng nhiều cách để giữ rừng đến chu kỳ khai thác hiệu quả hơn; Việc giữ rừng lại cũng có thể bằng cách người có khả năng về tiền cùng đầu tư với chủ rừng và có cách ăn chia việc giữ lại rừng đến tuổi khai thác..

      - Những hoạt động có tính chất chung mà các chi hội, tổ hội có thể phân công người phụ trách:
      Về giống cây trồng;
      Về tiêu thụ lâm sản;
      Về bảo vệ rừng;
      Về các thủ tục với nhà nước..

      - Hội Chủ rừng Việt Nam cũng đang trong quá trình hình thành và sẽ có những giải pháp thiết thực hỗ trợ các hội viên, các tổ chức hội ở cơ sở các vấn đề nêu trên, mà trước hết là thu thập thông tin về những khó khăn ở cơ sở do cơ chế, chính sách của Nhà nước để có những kiến nghị với nhà nước có các điều chỉnh phù hợp.
      Trước mắt hội cũng lập trang web của hội để làm diễn đàn về các khó khăn này ở các địa phương, nêu lên các kinh nghiệm khắc phục khó khăn ở các địa phương để chúng ta cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm.

      4- Về kinh phí đảm bảo các hoạt động:
      Về nguyên tắc thì hội là tập hợp các hội viên và tự mình lo đảm bảo các hoạt động, Nhà nước không can thiệp hay tham gia vào việc đảm bảo các chi phí hoạt động này.
      Hội chỉ hoạt động trong phạm vi chức trách nhiệm vụ của mình, tuân thủ điều lệ hội và vì vậy về nguyên tắc cũng không có nhiều các chi phí, nhất là ở cơ sở.
      Vì vậy để có thể hoạt động được, ở cơ sở, nội dung các hoạt động cũng phải phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của hội viên và tổ chức chi hội, không đề ra những nội dung hoạt động ngoài khả năng của mình, mà phải rất cụ thể, thiết thực và chủ yếu là do những hội viên của mình thực hiện và không phát sinh thêm nhiều chi phí.
      Việc hội họp của tổ chức chi hội, tổ hội chủ yếu là từ hội phí hội viên, các hoạt động khác có cần đến kinh phí phải bàn kỹ trong chi hội, tổ hội vấn đề đóng góp của hội viên và kiểm soát kỹ về chi tiêu và nội dung hoạt động.
      Trong hoạt động của tổ chức hội, cố gắng tận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hay các dự án tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước có quan tâm đến tổ chức hội./.


      Quay về trang chủ