X

HỘI CHỦ RỪNG VIỆT NAM

 Ghi chép của Phạm Đức Thiềng về rừng Phú Thọ 2
X

Thực hành quản lý rừng của 2 chi hội Thôn Vượng và Tân Lập ở Phú Thọ

      Đất trồng rừng ở huyện Tân Sơn có thổ nhưỡng khá tốt, độ dốc trung bình, nhưng có nhiều khe núi, khiến cây gặp rủi ro ngã đổ khi gặp mưa bão hoặc lũ quét. Cây trồng chủ đạo trước đây là Bạch Đàn, Mỡ, Bồ Đề, Trẩu nhưng trong 15 năm trở lại đây được dần thay bằng các loài keo, chủ yếu là Keo tai tượng (Acacia mangium), chiếm 90%. Cây keo được coi là cây giải quyết đất trống đồi núi trọc, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm. Nếu trồng liên tiếp nhiều chu kỳ thì dễ bị thoái hóa, không đáp ứng được năng suất và chất lượng.
      Tỷ lệ cây keo được trồng ở xã Xuân Đài và Kim Thượng không cao, dưới 50%. Các hộ chủ yếu trồng keo tai tượng, chứ không trồng keo lai (Acacia hybrid), vì họ cho rằng keo lai dễ gẫy đổ hơn khi có bão.
      Trước đây keo được giá, các hộ trồng nhiều, diện tích keo phát triển nhanh. Mấy năm gần đây, các hộ chuyển sang trồng mỡ, bồ đề và quế.

      • Chu kỳ và mật độ

      Các hộ thường trồng với mật độ 1.000 cây/ha với mật độ 2,5mx2,5m. Có hộ duy trì chu kỳ 5-6 năm, khi đó vanh gỗ đạt 30 cm. Có hộ giữ chu kỳ dài hơn, 7-8 năm, khi đó vanh gỗ đạt 50 cm.       Rừng Keo tai tượng của 1 hội viên Chi hội Khu Vượng

      • Cây giống

      Ở huyện Tân Sơn có 8 vườn giống keo do Kiểm lâm quản lý, đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu giống. Ngoài keo Úc, còn có keo nội. Trên thị trường, đa số các giống cây đều không rõ nguồn gốc. Giống chưa thực sự tốt. Cây to có vanh hơn 20 cm rồi vẫn bị chết. Dân ko biết nguồn gốc như nào, nhưng thấy rẻ thì vẫn mua.       Một cơ sở vườn ươm cây lâm nghiệp của VQG Xuân Sơn nằm sát địa bàn chi hội Khu Vượng
      Tại xã Xuân Đài và xã Kim Thượng, có 1 vườn ươm của công ty lâm nghiệp Xuân Đài và 1 vườn ươm của Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Giống của 2 vườn ươm này tốt hơn, nhưng họ chỉ sản xuất đủ cho nhu cầu của mình, chứ không cung cấp ra thị trường. Ngoài ra, có 1 vườn ươm nhỏ của một hộ gia đình, chủ yếu bán lẻ. Nhà ai có cây chết thì ra mua vài chục cây về thay thế.
      Mỡ, trẩu và bồ đề là các cây bản địa. Người dân có nhiều kinh nghiệm trồng và chăm sóc hơn keo. Cây mỡ chồi tự mọc sau khi chặt, ko phải trồng mới. Còn trẩu và bồ đề cứ lấy hạt của cây năm thứ 7 và thứ 8 gieo thì yên tâm. Một số khu vực của huyện Tân Sơn giáp với huyện Văn Chấn của Yên Bái, có lập địa và khí hậu tương đồng nhau, nên có thể trồng được quế. Các vùng này mua giống quế từ Yên Bái. Và cũng đã bắt đầu có một số vườn tự gieo.

      • Kỹ thuật trồng và chăm sóc

      Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài có 600 ha rừng. Họ sử dụng lao động từ các hộ gia đình nơi đây. Các hộ học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng từ họ. Nhưng ít người theo, vì ko có đủ điều kiện như họ (công và phân).
      Một năm có 2 vụ trồng rừng, đầu năm hoặc tháng 8-9 âm lịch, khi có nhiều mưa. Theo kỹ thuật cần phải đào hố sâu 40x40 cm và bón phân NPK sau khi cuốc hố. Nhưng các hộ đào hố nhỏ hơn, chỉ rộng 30x30 cm, và nhà nào có tiền thì bón phân (chiếm khoảng 20-30%), nhà nào không có tiền thì không bón.
      Khi mới trồng, các hộ phải rào lại để tránh trâu bò. Họ trồng xen sắn trong năm đầu tiên khi cây vẫn còn nhỏ. Trong 2 năm đầu, có nhiều cỏ, phải làm cỏ nhiều hơn. Các hộ gia đình bắt đầu tỉa thưa từ năm thứ 2, nhưng không theo kỹ thuật. Thường là tiếc cây nên không tỉa. Cây nào ko vươn được lên thì tỉa. Từ năm thứ 4 cây bắt đầu phân tán, họ không chăm sóc và tỉa thưa nữa. Sau tỉa thưa còn 900-1000 cây/ha. Tuy nhiên, cũng có các hộ không áp dụng kỹ thuật tỉa thưa trong suốt chu kỳ trồng.
      Rừng được khai thác trước vụ trồng mới khoảng 1 tháng. Các hộ dọn dẹp thực bì xong rồi trồng. Có nhà đốt thực bì, có nhà không. Ví dụ, từ lúc khai thác đến lúc trồng lại đủ lâu thì lá khô, không phải đốt. Hoặc cây mỡ tự mọc lại thì ko đốt.
      Đa số các hộ chưa biết cách tính khối lượng rừng của mình. Vì vậy, họ thường yếu thế khi mặc cả với thương lái khi bán rừng.

      • Sâu bệnh hại

      Cây keo bị kiến và mối ăn rễ theo từng cây và lan ra cả mảng. Bồ đề bị sâu xanh ăn lá. Khi phát hiện lá vàng thì cây đã chết rồi, có thể chết cả mảng, gỗ chỉ để làm củi, không làm được gì khác. Trẩu và mỡ cũng bị sâu ăn, nhưng không chết cây. Các hộ gia đình không có kỹ thuật và không có đủ nguồn lực để phòng bệnh sớm. Các hộ vẫn báo về trạm bảo vệ thực vật để tìm biện pháp.
      Nhưng họ chủ yếu có kinh nghiệm xử lý sâu bệnh hại đối với cây lúa, chứ chưa có nhiều kinh nghiệm đối với các cây lấy gỗ này.

      • Lao động

      Trong 2-3 năm đầu cần làm cỏ. Khi nào thấy rừng rậm, các hộ sẽ làm cỏ. Hộ nào có tiền thì thuê lao động ngoài, hộ nào không có tiền thì tự làm lấy.
      Trong một gia đình, các hộ thường cử một người đi làm rừng, còn một người ở nhà làm việc khác. Nam giới thường đào hố, còn nữ giới thường làm cỏ, kể cả lao động gia đình hay lao động đi thuê.
      Trước đây, một số gia đình gần gũi thân thiết nhau có áp dụng hình thức đổi công. Gia đình này đi giúp mình một công thì sau mình giúp lại họ một công. Nhưng giờ họ chủ yếu thuê ngoài.

      • Hiệu quả kinh tế

      Các hộ gia đình làm nông nghiệp chỉ đủ ăn; làm lâm nghiệp để lo việc lớn (xây nhà, cho con đi học, mua sắm tài sản lớn, gia đình có người ốm); và đi làm thuê để trang trải chi tiêu hàng ngày (vợ chồng trẻ thường đi nhà máy, còn người trên 40 tuổi thường làm xây dựng ở các tỉnh). Khi trồng rừng, chủ rừng cũng có kế hoạch kinh tế của họ. Ví dụ, đến năm nay làm nhà hoặc cưới vợ cho con, sẽ cần bán rừng. Trước đây có xóm 90% nhà không kiên cố (nhà gỗ hoặc nhà đất). Giờ họ chuyển dần sang xây nhà kiên cố. Các hộ xây nhà chủ yếu sử dụng nguồn thu nhập từ rừng.
      Về lý thuyết, rừng gỗ lớn thì có thu nhập cao hơn. Nhưng chưa có mô hình nào cho các hộ gia đình học tập. Kinh tế của các hộ còn hạn chế. Trồng được 5 năm rồi, nếu gia đình cần tiền thì vẫn phải bán. Nhà nào có kinh tế hơn thì đầu tư quy củ hơn, để lâu hơn và lãi cao hơn.
      Đối với người dân ở đây, cây keo chỉ là cây xóa đói giảm nghèo. Trồng 1 ha keo sau 6-7 năm thu được khoảng 90-100 triệu đồng. Năm đầu họ trồng xen sắn. Thu nhập từ sắn đủ bù cho chi phí trồng keo ban đầu. Sau khi trừ các chi phí giống, một phần chi phí nhân công khoảng 30 triệu đồng, trung bình mỗi năm lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/ha, tương đương mỗi tháng được dưới 1 triệu đồng/ha.

      • Nhu cầu tín dụng

      Nhà nước hỗ trợ các hộ trồng rừng vay vốn Ngân hàng Chính sách thông qua các hội đoàn thể (hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội thanh niên). 80% số hộ có nhu cầu vay từ nguồn này. Khi vay từ nguồn này, các hộ không phải thế chấp. Ngoài ra, các hộ có thể vay từ các nguồn khác như Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT. Các nguồn này phải thế chấp.
      Tổng nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách cho vay qua các đoàn thể tại một xã khoảng 40 tỷ. Trong đó, qua Hội phụ nữ xã khoảng 10-11 tỷ đồng. 80% khoản vay được sử dụng cho hoạt động trồng và chăm sóc rừng, 20% vay để đầu tư cho hệ thống nước sạch. Thời hạn vay là 5 năm. Đến hạn trả nợ, hầu như các hộ đều gặp khó khăn, phải bán cây non.
      Đại diện Hội chủ rừng Việt Nam trao đổi với Ban chấp hành Chi hội Tân Lập và Hội phụ nữ xã Kim Thượng về việc thành lập Quỹ tương hỗ

Phạm Đức Thiềng                       


      Quay về trang chủ