X

HỘI CHỦ RỪNG VIỆT NAM

 Ghi chép của Phạm Đức Thiềng về rừng Phú Thọ 1
X

Chuỗi cung ứng gỗ rừng trồng tại Tân Sơn, Phú Thọ

      Phú Thọ là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ Việt Nam, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 100 km về phía Tây Bắc. Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 39,8%, tương đương với 140.600 ha .       Bản đồ các tỉnh miền Bắc Việt Nam

      Tân Sơn là một huyện miền núi ở phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ, cách thành phố Việt Trì 60 km. Đây là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh (68.858 ha). Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp là 55.000 ha, chiếm 84% tổng diện tích tự nhiên. Vườn Quốc gia Xuân Sơn nằm trên địa bàn huyện, giáp ranh với 2 xã Xuân Đài và Kim Thượng. Huyện có 75.897 nhân khẩu, trong đó 83% là đồng bào các dân tộc Mường, Dao, H’Mông, Thái, La Chí, Tày, Nùng. Đây cũng là huyện có điều kiện khó khăn nhất tỉnh, giao thông đi lại không thuận lợi, điều kiện phát triển kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế.       Bản đồ hành chính tỉnh Phú Thọ

      Xuân Đài và Kim Thượng là 2 xã miền núi, cách trung tâm huyện Tân Sơn lần lượt là 20 và 23 km. Dân tộc Mường chiếm hơn 80%, dân tộc Dao chiếm hơn 10%, còn lại là các dân tộc khác. Người Mường có truyền thống ở nhà sàn, còn người Dao có truyền thống ở nhà gỗ hoặc nhà đất. Diện tích đất lâm nghiệp của 2 xã rất cao, trên 90%, và đều có một phần diện tích nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn. Độ dốc đất lâm nghiệp ở đây khoảng 25-30 độ. Người dân chủ yếu làm lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Đất lâm nghiệp đa số trồng keo (80%), còn lại là mỡ, bồ đề, trẩu.
      Tại huyện Tân Sơn, có 2 chi hội chủ rừng là chi hội Khu Vượng (xã Xuân Đài) và chi hội Khu Tân Lập (xã Kim Thượng) được thành lập từ tháng 11 năm 2016 . 2 chi hội này được Hội chủ rừng Việt Nam (VIFORA) và Viện Lâm nghiệp Châu Âu (EFI) chọn làm điểm nghiên cứu thí điểm.       Bản đồ hành chính huyện Tân Sơn

      Chuỗi cung ứng gỗ rừng trồng tại huyện Tân Sơn rất đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau.       Sơ đồ chuỗi cung ứng gỗ rừng trồng tại huyện Tân Sơn

      1. Các hộ trồng rừng

      Đất rừng trồng được giao cho các hộ dân trong 2 đợt, đợt một từ năm 1992 và đợt 2 từ năm 2002. Các hộ bắt đầu trồng rừng trong năm 1992 theo Quyết định 327 (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, 1992) hoặc trong năm 1998 theo Quyết định 661 (Thủ tướng Chính phủ, 1998).
      Lúc mới thành lập, Chi hội chủ rừng Thôn Vượng có 18 hội viên và đến nay tăng lên 22 thành viên. Tất cả đều là người dân tộc Mường. Độ tuổi bình quân là 48. 43% số hộ có chủ hộ là nữ giới. Trung bình mỗi hộ có 3,9 ha đất rừng. Rừng cách nhà từ 1-5 km. Đa số các hộ đều trồng mỡ và bồ đề, chỉ có duy nhất một hộ trồng keo trên 30% diện tích nhà mình. Các hộ ở đây không trồng keo vì keo bị sâu bệnh nhiều. Người dân mua giống (cây con và hạt) chưa được kiểm soát, trồng quảng canh, ít thực hiện tỉa thưa nên năng suất rừng thấp. Phần lớn người dân chưa biết các tính và ước trữ lượng rừng.       Rừng Bồ Đề của hội viên chi hội chủ rừng Khu Tân Lập       Rừng keo của một hội viên của chi hội chủ rừng Khu Vượng


      Chi hội Tân Lập có 27 hội viên. Trong đó 89% là dân tộc Mường và 11% là dân Kinh. Độ tuổi bình quân là 50. 52% số hộ có chủ hộ là nữ giới. Trung bình mỗi hộ có 3,4 ha đất rừng. Rừng cách nhà từ 0.5-3km. 62% diện tích trồng keo, 38% diện tích trồng các loại cây khác như bồ đề, trẩu, mỡ.
      Khi có nhu cầu bán gỗ, chủ rừng sẽ bán cây đứng cho thương lái. Chủ rừng không tự khai thác vì họ không có cưa, không có trâu kéo, và không có xe tải. Rừng gần đường thì bán giá tốt hơn rừng xa đường. Về mặt lý thuyết, gỗ không lo bị ế. Khi nào được giá thì các hộ sẽ bán. Nhưng trên thực tế, các hộ thường gặp khó khăn về tài chính nên bán sớm.

      2. Thương lái

      Thương lái là người mua rừng (cây đứng) của hộ gia đình và tổ chức khai thác, vận chuyển bán các xưởng sơ chế (xưởng bóc, xưởng xẻ, xưởng băm dăm). Một số ít thương lái có xưởng sơ chế thì làm luôn cả việc sơ chế. Khi có nhu cầu bán, các chủ rừng sẽ gửi thông tin. Hoặc thương lái thường xuyên đi khảo sát các khu rừng trồng. Thấy rừng nào cây to sẽ chủ động hỏi chủ rừng. Có thương lái trong xã và thương lái ngoài xã, ai trả giá cao hơn thì chủ rừng sẽ bán.
      Tại 2 xã Xuân Đài và xã Kim Thượng, mỗi xã có khoảng 4-5 thương lái. Nhưng thương lái trong xã thường không có vốn lớn. Họ khai thác xong chuyển đi vẫn chưa có tiền trả các chủ rừng. Vì vậy, các hộ thường bán rừng cho các thương lái xã ngoài, những người có tiền trả ngay.
      Thông thường thương lái phải đi lại 4-5 lần mới chốt được giá mua. Họ tự tính các khoản chi phí (chi phí làm đường vận xuất là bao nhiêu, có phải đi qua rừng người khác không, có phải đền cây con không) rồi đề xuất mức giá mua.
      Thương lái thường nắm bắt tâm lý chủ rừng rất tốt. Họ chọn lúc gia đình đang cần tiền (sắp tổ chức đám cưới cho con, sắp làm nhà…) để mặc cả được giá tốt. Theo chia sẻ của người dân địa phương, các thương lái có thuê một đội cò giúp họ kìm giá bán của chủ rừng.
      Khi khai thác, thương lái sẽ thuê lao động có trâu để kéo gỗ từ trong rừng ra gần đường vận xuất. 1 người kèm 1 trâu. Đồi nhỏ cần 3-4 trâu, đồi to hơn thì cần nhiều hơn. Ngoài ra, nếu xe tải nhỏ (4 m3) thì họ thuê thêm 3 người bốc vác, nếu xe tải lớn (13-14 m3) thì họ thuê thêm 7 người bốc vác. Thương lái mỗi ngày chở được một chuyến, vì thời gian bốc xếp lâu.
      Thương lái tính diện tích và khối lượng bằng mắt thường (chưa dùng GPS). Họ chia nhỏ rừng thành khối lượng từng xe. Khu này bằng một xe, khu kia bằng một xe… Độ chính xác khoảng 80-90%.
      Diện tích rừng càng lớn thì rủi ro tính sai và thua lỗ càng cao. Có thương lái bị lỗ 80 triệu sau khi mua và khai thác một rừng rộng 9 ha. Đối với rừng có tỷ lệ rỗng ruột nhiều thì tỷ lệ lỗ cũng cao hơn. Keo lai để lâu dễ bị rỗng ruột.
      Thương lái phân loại gỗ ngay tại rừng: to cho xẻ, trung bình cho bóc, nhỏ băm dăm, cành ngọn làm củi. Mỗi xe có thể có 4 loại gỗ: keo, bồ đề, mỡ, trẩu. Mỗi loại có giá khác nhau. Keo thì cân, 3 loại còn lại thì đo m3 từng khúc. Có 2 loại giá cho gỗ vanh đầu 30 cm và vanh đầu 40 cm.
      Thương lái ở 2 xã Xuân Đài và xã Kim Thượng chở gỗ đi các xưởng. Xưởng nào có tiền thì bán, không có tiền thì thôi. Họ hỏi trước, nếu mua thì chở đến. Chủ yếu bán cho xưởng bóc, vì xưởng xẻ xa hơn và yêu cầu cao hơn, chỉ được 30% hàng to. Đi xa không bõ công và sau khi chọn gỗ to rồi thì hàng còn lại xấu, sẽ khó bán cho xưởng bóc hơn.
      Thương lái đã trở thành một mắt xích của chuỗi cung ứng bởi có những thế mạnh như hiểu biết rõ rừng của hộ gia đình, địa hình, có quan hệ với các tổ chức địa phương, kể cả cơ quan kiếm soát rừng, vận chuyển gỗ. Mô hình mua rừng (cây đứng) quy mô nhỏ, khai thác, vận chuyển nhỏ, thủ công tạo ra mảnh đất màu mỡ cho thương lái như hiện nay phát triển. Ở một mức độ nào đó, thương lái có những ưu điểm với tình hình trồng, quản lý rừng bởi các hộ nhỏ lẻ như hiện nay.       Xe tải của một thương lái

      3. Cơ sở sơ chế

      Tại huyện Tân Sơn, 30-40% gỗ rừng trồng được bán cho các cơ sở xẻ, 40-50% được bán cho các cơ sở bóc, và 20% cành ngọn được bán cho các cơ sở băm dăm. Gỗ ở Tân Sơn chủ yếu được cung cấp cho các cơ sở sơ chế ở trong huyện là chính. Chỉ có một số ít chuyển sang huyện Thanh Sơn vì ở đấy có một số nhà máy bóc. Tại trung tâm huyện Tân Sơn, có một nhà máy sản xuất ván ép lớn, nhưng đang đổi chủ mới và cải tạo lại, chưa đi vào hoạt động. Thị trường ván bóc đang có dấu hiệu giảm.
      Gỗ xẻ chủ yếu là gỗ keo, đòi hỏi khắt khe: ít mắt, không rỗng ruột, không phe cạnh (không méo), vì vậy tỷ lệ đạt yêu cầu ít. Keo có 3 loại: lõi trắng (chiếm 80%), lõi vàng (chiếm 10%), lõi đen (chiếm 10%). Keo lõi trắng xốp không tốt. Khách hàng thích keo lõi vàng và lõi đen hơn. Nhưng người trồng khi đi mua cây giống và thương lái khi đi mua rừng không phân biệt được. Chỉ biết được keo gì sau khi chặt hạ.
      Trên địa bàn xã Xuân Đài và xã Kim Thượng, có một số xưởng xẻ gia công quy mô nhỏ. Mỗi tháng họ sản xuất được 1-2 xe gỗ xẻ theo yêu cầu của khách hàng. Sản phẩm của họ cũng có thể là ván cốp pha và giát giường. Các đơn vị đặt hàng có xe đến chở gỗ xẻ đi. Các xưởng xẻ cũng thu mua gỗ xoan từ các hộ dân và đóng đồ mộc cho người dân trong xã. Tuy nhiên, đa số gỗ rừng trồng của xã Xuân Đài và xã Kim Thượng được bán cho các cơ sở bóc tại huyện Thanh Sơn (cách địa bàn 2 xã nghiên cứu 40 km).       Các xưởng xẻ trong xã

      Gỗ nhỏ và cành ngọn được chuyển đến xưởng băm dăm nhỏ ở xã Minh Đài. Họ cung cấp dăm cho nhà máy Giấy Bãi Bằng hoặc chuyển đi cảng Hải Phỏng để xuất khẩu. Nhu cầu nguyên liệu giấy của nhà máy giấy ngày càng giảm do nhu cầu sử dụng giấy trong nước giảm.
      Ngoài ra, huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) được coi là chợ xẻ lớn nhất miền Bắc. Họ thu mua gỗ từ cả các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ. Họ có khoảng 30-40 xưởng sấy. Nhiều cơ sở thậm chí còn sản xuất ván ghép thanh.
      Bênh cạnh đó, huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ) có làng nghề Ấm Hạ chuyên sản xuất ván dán cung cấp cho thị trường cả nước.

      4. Đơn vị sản xuất thành phẩm

      Nguồn nguyên liệu ở huyện Tân Sơn dồi dào. Các cơ sở chế biến không phải đi thu gom, mà các đơn vị thương lái sẽ mang gỗ đến tận cổng các nhà máy.
      Trên địa bàn huyện, có công ty Gemmy Wood mới được thành lập năm 2018, định hướng làm sản phẩm ván ghép thanh và ván thanh dài (ván solid) xuất khẩu đi Hoa Kỳ. Công ty thu mua gỗ xẻ theo quy cách, rồi về tự sấy và làm ván ghép thanh (công ty có 20 lò sấy). 20% gỗ ở Tân Sơn được bán cho Gemmy Wood. Ngoài ra, họ cũng mua gỗ xẻ từ các huyện lân cận. 90% nguyên liệu sử dụng của công ty là gỗ keo và 10% là gỗ thông. Trước đây, công ty thu mua gỗ tròn về tự xẻ, nhưng sau thấy không hiệu quả nên dừng. Một công ty khác của Gemmy Wood có trụ sở tại thành phố Việt Trì có sản xuất thành phẩm từ ván ghép thanh để xuất khẩu đi Hoa Kỳ.
      Theo các cơ sở chế biến, chất lượng gỗ keo khoảng 2-3 năm gần đây đi xuống. Nguyên nhân là do giống kém, các hộ dân trồng không đúng kỹ thuật, mật độ dày và không cắt tỉa cành. Gỗ có nhiều mắt và rỗng ruột (thậm chí trong gỗ còn có đinh). Điều này gây nhiều khó khăn cho quá trình hoàn thiện. Quanh mắt gỗ có các túi nước, khi sấy không ra hết nước. Sản phẩm gỗ sau khi sơn 6 tháng có hiện tượng bị nứt và co giãn. Công ty Gemmy Wood sử dụng gỗ keo lai để chế biến, trong khi diện tích trồng keo lai ở huyện Tân Sơn rất ít nên Công ty phải mua gỗ keo lai từ các tỉnh khác.
      Các công ty đã từng hợp tác với các cơ sở xẻ lớn, đặt hàng quy cách riêng, nhưng các cơ sở này không có cam kết, chỗ nào trả giá cao hơn họ sẽ bán. Vì vậy, các công ty mua gỗ theo giá thị trường. Ít hàng thì tăng giá, nhiều hàng thì giảm giá. Sản xuất thường đòi hỏi phải có tồn kho, nhưng các doanh nghiệp không muốn tồn kho nhiều. Họ ký hợp đồng với các xưởng xẻ 6 tháng một, xem hiệu quả thế nào rồi ký tiếp.
      Sản phấm ván ghép thanh được sản xuất từ nguyên liệu gỗ keo lai trong nước của Công ty Gemmy Wood – Tân Sơn – Phú Thọ

      Một số xưởng xẻ lớn hơn, có quy mô 4-6 lao động, có thể có cân tại xưởng. Nguồn cung đầu vào phải tuyển chọn gỗ. Khó khăn thiếu nguồn cung, phải thu mua từ các xã hoặc huyện khác. Thương lái alo thỏa thuận trước cho xưởng xẻ, nếu thống nhất thì chở gỗ tới. Đầu ra yêu cầu cao hơn. Xẻ quy cách theo yêu cầu của khách hàng. Khách hàng ở các tỉnh thành khác như Hải Phòng, Hải Dương. Một năm hoạt động khoảng 8 tháng đều việc.

Phạm Đức Thiềng                       


      Quay về trang chủ