X

HỘI CHỦ RỪNG VIỆT NAM

 Vấn đề khoán bảo vệ rừng tại Ban QLR PHDD Hà Nội

SUY NGẪM TỪ CUỘC GẶP NHỮNG NGƯỜI NHẬN KHOÁN BẢO VỆ RỪNG TẠI BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ ĐẶC DỤNG HÀ NỘI
(Hứa Đức Nhị, tháng 4/2020)


      Trong những ngày đầu năm 2020 vừa qua, chúng tôi từ Hội Chủ rừng Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ với một số người nhận khoán rừng tại huyện Mỹ Đức và huyện Sóc Sơn, Hà Nội; Cùng gặp gỡ và làm việc còn có một số lãnh đạo của Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội. Những câu chuyện từ các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tại Hà Nội rất đáng để chúng ta cùng suy ngẫm về quản lý và quản trị rừng không chỉ riêng đối với rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội mà âu là câu chuyện chung của nhiều các ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng ở cả nước.
      Thực hiện khoán bảo vệ rừng mới theo Nghị định 168/CP (năm 2016) tại Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội, một số hộ nhận khoán rừng trước đây tại Khu rừng đặc dụng Mỹ Đức và trên diện tích rừng phòng hộ Sóc Sơn đang có một số băn khoăn về cách xử lý của Ban QLR đối với diện tích sản xuất nông lâm nghiệp trong khu rừng đặc dụng Mỹ Đức hay đối với diện tích đất nhận khoán từ Lâm trường Sóc Sơn trước đây.
      Là một trong những hộ nhận khoán bảo vệ rừng tại Mỹ Đức, ông Vương Ngọc Kiện có một trang trại tại Thung Chùa (một thung lũng ngay sát chân núi đá là Rừng đặc dụng Mỹ Đức). Ông Kiện mua lại diện tích này từ một chủ khác và đã sử dụng rất nhiều năm nay. Khi thiết lập rừng đặc dụng (theo quy hoạch năm 1993) thì tỉnh Hà Tây, sau này là Hà Nội đã đưa diện tích này vào Rừng đặc dụng.
      Ông Kiện trồng cây ăn quả (là chủ yếu) xen một số cây rừng. Trên diện tích này còn được trồng khá nhiều loại rau rừng, các loại cây thuốc. Trong khu đất có ngôi nhà khá kiên cố của ông Kiện, hàng rào và một vài công trình phục vụ sản xuất khác. Việc trồng rau quả ở đây chủ yếu để bán ngoài thị trường, nhưng do đất thuộc Ban QLR PHDD HN nên ông Kiện không thể thực hiện được chỉ dẫn địa lý, VietGap.. Ông Kiện cũng đang được nhận khoán bảo vệ khoảng 30 ha rừng, trong đó có diện tích của chính vườn nhà mình nêu trên.
      Cùng với ông Kiện, gần như toàn bộ diện tích trong thung này là đất vườn rừng của nhiều hộ gia đình khác.
      Cũng theo một số người phản ảnh: Ranh giới khu rừng đặc dụng ngày càng tiến xa hơn ra ngoài so với ranh giới trước đây (từ chân núi đá) theo các quy hoạch mới.
      Tại khu rừng phòng hộ Sóc Sơn (mà trước đây là lâm trường Sóc Sơn) thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội, theo phản ảnh của những người có trách nhiệm: trước năm 1988 huyện Sóc Sơn chỉ có 234 ha rừng, còn lại là diện tích đất trống, đồi trọc, rừng Guột.. Từ năm 1989, theo chủ trương của Bộ lâm nghiệp và TP Hà Nội, Lâm trường Sóc Sơn đã giao khoán đất rừng cho các hộ cán bộ công nhân viên lâm trường để bảo vệ và phát triển rừng. Việc giao nhận khoán rừng có hợp đồng, lâm trường sau đó cũng có quy chế bảo vệ rừng, hướng dẫn phát triển trang trại và có hỗ trợ đầu tư theo nhiều chương trình, dự án khác nhau.
      Từ năm 1998 Hà Nội quy hoạch trên 6000 ha đất lâm nghiệp làm rừng phòng hộ, đặc dụng; sau 2008 quy hoạch lại còn trên 4000 ha (giảm do thu hồi đất sang mục đích sử dụng khác).
      Trước Nghị định 168/CP, thực hiện hợp đồng khoán, cùng với nhiều nguồn vốn hỗ trợ, nhiều hộ gia đình đã vay vốn đầu tư thiết lập rừng, làm đường cản lửa, xây đập, kể cả làm nhà trên diện tích khu rừng (như một trang trại rừng).. Nhưng với NĐ 168/CP và QĐ 484 của Sở NN&PTNT Hà Nội, các hợp đồng khoán rừng trước đây không còn có hiệu lực và gây ra không ít lúng túng cho việc xử lý hệ quả..
      Có thể dễ dàng nhận thấy một số những vấn đề sau:
      + Việc quy hoạch 3 loại rừng cũng như việc thông qua quy hoạch của cấp có thẩm quyền trước nay có thể đã chưa được cân nhắc kỹ lưỡng về nguồn lực của Nhà nước và điều kiện kinh tế xã hội ở địa phương trong quy hoạch các khu rừng đặc dụng hay rừng phòng hộ. Trong nội dung xây dựng quy hoạch đã chưa chú ý điều tra về nguồn gốc hay quá trình hình thành khu rừng và các tài sản khác trên đất rừng, mà chỉ thiên về hiện trạng rừng (như được hình thành một cách tự nhiên).
      + Hiện vẫn chưa có các quy định cụ thể trong việc thiết lập khu rừng đặc dụng hay rừng phòng hộ thuộc Ban quản lý rừng (của Nhà nước); không có các bước xử lý rừng và tài sản trên đất khi chuyển giao đất rừng cho ban quản lý rừng quản lý, mà chỉ giao quản lý ngay sau khi có quy hoạch (hay quy hoạch điều chỉnh) được duyệt.
      + Khi áp dụng các quy định quản lý đất rừng mới, như NĐ135/CP hay NĐ168/CP đã chưa chú trọng tới việc hướng dẫn xử lý hệ quả của việc thực hiện các quy định quản lý trước đó, như việc khoán đất và rừng từ những năm 1990 tại lâm trường Sóc Sơn. Cũng có thể là các địa phương cũng khá lúng túng trong việc xử lý này.
      Đáng chú ý là các quy định về độ tuổi lao động của người hay hộ gia đình nhận khoán và thời hạn nhận khoán của NĐ 168/CP gần đây đã làm khó cho cơ sở trong việc xử lý hệ quả của việc giao khoán rừng lâu dài trước đó.
      Từ thực tế tại Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Hà Nội và nhiều các ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ trong cả nước, chúng tôi nhận thấy:
      + Cấn có những hướng dẫn cụ thể trong việc xây dựng cũng như việc xem xét, cân nhắc để quyết định các phương án quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, nhất là đối với diện tích đất nhạy cảm.
      + Cần có các quy định cụ thể và chi tiết về việc thiết lập rừng đối với các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.. trong đó làm rõ việc xử lý về cây rừng và tài sản khác trên đất của chủ cũ hoặc có cơ chế khai thác sử dụng nó sau khi đã thiết lập khu rừng (như đối với diện tích sản xuất nông nghiệp hay nông lâm kết hợp tại khu rừng đặc dụng Mỹ Đức hay đối với các khu rừng sau giao khoán đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn).
      + Cần có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quy định mới, như Nghị định 168/CP về khoán bảo vệ rừng, trên diện tích đã áp dụng các quy định cũ (như giao khoán đất rừng ở lâm trường Sóc Sơn)
      + Có thể xem xét xử lý diện tích sản xuất nông nghiệp hay nông lâm kết hợp tại Khu rừng đặc dụng Mỹ Đức (Hà Nội) theo các hướng, như: (1) Đưa diện tích này ra ngoài khu rừng đặc dụng; (2) Để diện tích này trong khu rừng đặc dụng nhưng dần dần xử lý (khai thác) cây trồng nông nghiệp, chỉ giữ lại cây rừng và canh tác cây trồng nông nghiệp dài ngày dưới tán rừng; (3) Để diện tích canh tác nông lâm kết hợp như hiện nay nhưng đưa vào quản lý như một loại phân khu mới trong rừng đặc dụng (như một phân khu mới ngoài phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính dịch vụ như quy định, hoặc tạm thời vận dụng quy định nó nằm trong phân khu hành chính dịch vụ..)..
      + Xem xét xử lý thỏa đáng về rừng và tài sản trên diện tích giao khoán đất rừng lâu dài tại Lâm trường Sóc Sơn trước đây sau khi đã thực hiện khoán bảo vệ rừng theo NĐ 168/CP trên cơ sở tôn trọng các điều khoản trong hợp đồng nhận khoán có tính đến các yếu tố mới sau này.
      + Trong khi chưa có phương án xử lý rõ ràng thì hướng dẫn các chủ rừng, các chủ nhận khoán hay các đối tượng có liên quan ghi chép lại rõ ràng, chi tiết các vấn đề, hiện trạng và quá trình sử dụng đất và phát triển rừng../.


      Quay về trang chủ