X

NHÌN LẠI NHỮNG VẤN ĐỀ Ở LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH TRƯỚC ĐÂY VÀ NGÀY NAY LÀ CÔNG TY LÂM NGHIỆP
(Hứa Đức Nhị, tháng 4/2020)

      Các lâm trường quốc doanh được hình thành theo yêu cầu khách quan của sản xuất và quản lý rừng từ những năm 60 của thế kỷ 20 đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng ngành lâm nghiệp cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc;
      Trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung với cơ chế bao cấp quá lâu, nhiều các lâm trường đã bộc lộ những yếu kém và gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển sang cơ chế thị trường.
      Sau đổi mới từ cuối những năm 1980 và những năm 1990, các lâm trường và công ty lâm nghiệp (CTLN) đã có bước chuyển sang cơ chế giao khoán đất rừng cho cán bộ công nhân viên lâm trường (say này là CTLN) và đã có được những thành tựu nhất định. Tuy vậy, các CTLN cũng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chậm hoặc không thích ứng được với cơ chế quản lý mới.
      Cùng với NQ 28/TU, sau này là NQ 30/TU, và các Nghị định của Chính phủ về săp xếp đổi mới nông lâm trường quốc doanh (và CTNLN), các lâm trường về cơ bản đã được sắp xếp lại, nhiều các lâm trường đã chuyển thành các ban quản lý rừng (đặc dụng hay phòng hộ), tuy nhiên thực hiện định hướng đổi mới thì chưa rõ ràng.
      Lâm trường hay các Công ty lâm nghiệp hoàn toàn có thể và rất cần được hoạt động trong cơ chế thị trường, nhưng các lâm trường hay công ty lâm nghiệp có những đặc thù nhất định và trong cơ chế thị trường đó cũng cần có một cơ chế quản lý và quản trị đặc thù với loại hình doanh nghiệp lâm nghiệp này thay vì phải áp dụng một cách máy móc theo các cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp thông thường và có tính phổ biến.
      Những đặc thù trong hoạt động và quản trị ở các CTLN có thể là:
      + Cùng với các loại hình sản xuất có tính công nghiệp, có thể hạch toán kinh doanh như các doanh nghiệp thông thường (như khai thác gỗ và lâm sản, sản xuất giống cây trồng, hay các dịch vụ và sản phẩm có thể hạch toán kinh doanh khác) lâm trường hay công ty lâm nghiệp còn có các hoạt động đầu tư có tính dài hạn (có thể khấu hao hay không thể khấu hao hoặc chờ phân bổ) và các hoạt động như: quản lý rừng, bảo vệ rừng có tính thường xuyên liên tục mà không phụ thuộc vào các nguồn kinh phí hay thu nhập từ sản phẩm để bù đắp..
      + Sản phẩm của lâm trường (hay CTLN) có thể là: gỗ và lâm sản khai thác hàng năm tại những địa bàn khác nhau hoặc trên cùng một địa bàn nhưng là sau một chu kỳ dài, nhiều năm.
      Có thể nói, với đối tượng sản xuất là rừng, thì việc khai thác sử dụng gỗ hay lâm sản không có tính thường xuyên liên tục trong thời gian dài, thậm chí là nhiều chục năm, nhưng đã là rừng thì phải được bảo vệ và phát triển bền vững. Sản phẩm thường xuyên của rừng là dịch vụ môi trường cho xã hội thì thường là không thể thu được đủ bù đắp chi phí bảo vệ, còn sản phẩm là gỗ và lâm sản thì chỉ có được khi rừng đạt độ thành thục sau này. Việc trồng rừng và các hoạt động phát triển rừng thường là công việc của thế hệ trước để lại cho thế hệ sau, nếu mong muốn phát triển rừng bền vững hay có hiệu quả cao hơn.
      + Từ đó mà hạch toán kinh doanh của các lâm trường và CTLN cần được định hình phù hợp với đặc thù của hình thức sản xuất kinh doanh này, nhất là việc hạch toán với khoản đầu tư phát triển rừng chỉ cho thế hệ tương lai được hưởng lợi, còn mình thì được hưởng lợi từ các thế hệ trước..
      + Trong phát triển lâm nghiệp, các tổ chức Lâm trường (hay các CTLN) có vai trò nòng cốt, là tổ chức dẫn dắt, liên kết và cung cấp dịch vụ về sản xuất và tiêu thụ lâm sản, về quản lý và bảo vệ rừng cho các chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân.. trên địa bàn (mà nếu không có một tổ chức dẫn dắt như vậy sẽ rất khó khăn cho các hộ gia đình, cá nhân trong bảo vệ và phát triển rừng).
      Chúng ta rất cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để có định hướng đổi mới các CTLN nhằm thích ứng với cơ chế quản lý mới, đảm bảo cho ngành lâm nghiệp phát triển bền vững.
      Những vấn đề đáng quan tâm đó có thể là:
      + Về cơ chế hạch toán kinh doanh của các CTLN;
      + Về cơ chế thực hiện nhiệm vụ công ích của các CTLN;
      + Cân nhắc về cổ phần hóa hay tư nhân hóa các CTLN với yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước về rừng;
      + Thay đổi nhận thức về thuế tài nguyên rừng;
      Định hướng đổi mới các CTLN cho phù hợp với tính đặc thù của nó là vấn đề rất khó, hiện còn có nhiều các nhận thức và quan điểm khác nhau. Tính đặc thù của sản xuất kinh doanh trong lâm nghiệp hay trong các doanh nghiệp lâm nghiệp so với các doanh nghiệp có tính phổ biến là một thực tế khách quan và đòi hỏi phải có một cơ chế quản trị đặc thù và phù hợp./.
      (Độc giả có quan tâm đến vấn đề này có thể liên hệ với tác giả bài viết để được tham khảo bài viết đầy đủ, cụ thể và chi tiết hơn).