X

HỘI CHỦ RỪNG VIỆT NAM

VÀI LỜI ĐỀ DẪN VÀ KHAI MẠC HỘI THẢO VỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỰ NHIÊN VIỆT NAM: TẦM NHÌN VÀ GIẢI PHÁP CHÍNH SÁCH
(Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, ngày 23/12/2020)

      Thưa các quý vị!
      Thưa các vị đại biểu tham dự hội thảo!

      1, Trước hết cho tôi được cám ơn PanNature đã mời chúng tôi tham dự và cùng chủ trì hội thảo có nội dung rất quan trọng này; Thay mặt cho các bên đồng tổ chức hội thảo, cho tôi có lời chào mừng và cảm ơn sự có mặt của các quý vị tại hội thảo, cũng như cảm ơn Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức (BMZ) và tổ chức GIZ đã tài trợ cho hội thảo. Chúc cho hội thảo của chúng ta thành công, chúc sức khỏe các quý vị.
      Sự có mặt đông đảo của các quý vị tại hội thảo cũng đã nói lên sự quan tâm của các quý vị cũng như của xã hội đến rừng tự nhiên. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề rất rộng, khá phức tạp và thậm chí cũng khá nhạy cảm.
      Chúng tôi cũng được biết đã có nhiều các tổ chức và cá nhân quan tâm đến vấn đề này; đã có nhiều những ý kiến trên nhiều các diễn đàn thậm chí khá “gắt” và bức xúc. Nội dung hội thảo hôm nay hy vọng sẽ góp thêm một phần nào đó vào vấn đề mà chúng ta đang nói tới, nhất là về các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên.
      Theo chương trình hội thảo chúng ta sẽ được nghe và thảo luận sâu hơn về các vấn đề liên quan đến rừng tự nhiên, các giải pháp bảo tồn và phát triển rừng tự nhiên cũng như các khuyến nghị cần thiết.

      2, Những người làm nghề rừng, những người quan tâm đến rừng rất hiểu về các giá trị của rừng, trong đó có rừng tự nhiên mà chúng ta đang nói tới. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tìm hiểu cặn kẽ hơn về rừng, về các giá trị cụ thể của rừng để từ đó có cách tiếp cận và định hướng bảo tồn và phát triển rừng tự nhiên rõ ràng hơn.
      Xin mạn phép được nêu lại vài nét về các giá trị cụ thể của rừng tại hội thảo này để minh họa thêm:

      - Rừng tự nhiên có giá trị đa dạng sinh học cao và vì vậy luôn là đối tượng bảo tồn.
      Tuy nhiên phải thấy rằng rừng tự nhiên thì có rất nhiều loại; cứ từ 2,3 loài cây có trong rừng làm nền thì đã có một một loại rừng nào đó, một dạng của đa sinh học; thêm vài 3 loài cây nữa, thêm vài độ tuổi cây nữa thì số các dạng của đa dạng sinh học, số các loại rừng đã nhân lên theo cấp số nhân. Mỗi loại đa dạng sinh học có những giá trị riêng và khi đặt vấn đề bảo tồn đều cần trả lời câu hỏi, bảo tồn giá trị đa dạng sinh học gì là chính, bảo tồn hay cải tạo nó, bảo tồn nhiều hay ít hơn diện tích hiện có? Thậm chí rất cần cân nhắc giá trị của bảo tồn với các giá trị kinh tế và cảnh quan khác vì chúng ta là những người của thực tế.
      Bởi rừng tự nhiên theo Luật lâm nghiệp chúng ta định nghĩa: “.. là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung”, có những khu rừng tự nhiên mới phục hồi sau nương rẫy hay sau khai thác càng không thể có được đa dạng sinh học như ta mong muốn ngay.

      - Rừng có vai trò phòng hộ lớn, đó là các giá trị điều tiết nước, hấp thụ các bon, hay giá trị cảnh quan.. Tuy vậy, không phải cứ rừng tự nhiên (như quy định trong luật LN) là có ngay các giá trị đó như nhau;
      Rừng điều tiết nước tốt hơn khi rừng có nhiều cây to, rễ sâu với môi trường thực bì nhất định chứ không hẳn là ở tỷ lệ tàn che của lá rừng hay mật độ cây rừng trên 1 ha; Tuy nhiên, nhiều rừng tốt không hẳn là chống được lở đất khi mưa quá lớn và dài ngày (thậm chí rừng tốt có thể còn là một yếu tố nguy cơ cao hơn của việc lở đất trong trường hợp này).
      Rừng hấp thụ các bon tốt hơn khi rừng có độ tăng trưởng cao trên một đơn vị diện tích trong một thời gian nào đó. Rừng tự nhiên đang có khối lượng gỗ lớn hơn nhưng đã ở tuổi thành thục tự nhiên chưa chắc có tác dụng hấp thụ các bon cao hơn rừng trồng có năng suất cao.
      Giá trị cảnh quan của rừng không chỉ nằm ở đa dạng loài cây, mật độ dầy đặc mà là ở nhiều cây lớn, có dáng đẹp..

      - Năng suất hay chất lượng rừng tự nhiên là một tiêu chí không dễ gì quản lý hay điều tiết được nó trong một sớm, một chiều thậm chí là trong vài năm tới bởi đó là rừng tự nhiên, phát triển một cách tự nhiên; mà rừng tự nhiên thì luôn có cạnh tranh nhau giữa các loài cây, giữa cây nọ và cây kia trong tồn tại hay phát triển; rừng tự nhiên mới phục hồi thì thường là rừng của những cây tiên phong có giá trị không mong muốn của con người, nhưng cứ để tự nhiên phát triển thì loại rừng này để đạt tới độ loại rừng cũ trước đó thì phải là nhiều chục năm sau, thậm chí hàng trăm năm sau.

      Chúng tôi muốn nêu lại vài điều này để cùng suy ngẫm về các cách thức bảo vệ, bảo tồn hay tác động lên rừng tự nhiên khi chúng ta luôn mong muốn những điều rất cao xa về rừng, trong đó có rừng tự nhiên.

      3, Chúng ta đã được nghe về các định hướng quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên từ các văn bản hay các ý kiến phát biểu của các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước và vấn đề đặt ra là cần những giải pháp nào để thực hiện được điều đó?
      Cũng cần nói rằng, rừng ở nước ta đã luôn gắn với con người và xã hội; Rừng không còn có thể được hiểu đơn giản là “rừng” ở chốn không người. Rừng không là một tài nguyên “vô tri vô giác” mà rừng tự nó luôn có sự vận động và phát triển cùng với tác động cũng như sự phát triển của xã hội loài người.
      Rừng luôn gắn với đời sống của bà con các dân tộc thiểu số ở miền núi, với các chủ rừng. Chúng ta cũng phải nhắc đến sự phát triển của nền nông nghiệp, nhất là việc giải quyết được vấn đề lương thực đã gián tiếp tác động đến kết quả bảo vệ rừng của chúng ta trong thời gian qua. Tuy vậy đời sống bà con miền núi còn rất nhiều khó khăn, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế và mức sống so với miền xuôi và thành phố vẫn là hiện hữu và vì vậy nguy cơ mất rừng vẫn còn tiềm tàng (không hẳn là mất gỗ do khai thác mà là mất rừng để chuyển sang canh tác hay mục đích khác vì mưu sinh hay sự phát triển).
      Giải pháp cho bảo tồn và phát triển với rừng tự nhiên vì vậy phải rất đồng bộ và phải gắn với sinh kế đồng bào miền núi và các chủ rừng. Chúng ta phải có các định hướng và giải pháp để tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân từ rừng, đồng thời có các giải pháp phát triển người dân miền núi ngoài rừng để ít phụ thuộc hơn vào rừng và đất rừng.

      - Tăng mức thu nhập từ khoán bảo vệ rừng của Nhà nước hay mức chi trả dịch vụ môi trường rừng là những giải pháp trực tiếp trước mắt cần được quan tâm.
      Mức khoán bảo vệ rừng của Nhà nước sẽ cần nghiên cứu tăng lên và Chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ cần tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp hơn và tăng thêm các dòng chi trả cho dịch vụ môi trường của rừng
      Tuy vậy, rừng của chúng ta có rất ít, bởi mỗi người dân bình quân chỉ có không đến 0,2 ha/người (nếu chỉ tính người dân miền núi cũng không đến 0,7 ha/người và mỗi hộ dân miền núi cũng chỉ khoảng 3,5 ha/hộ). Mức khoán bảo vệ rừng đang rất thấp, và nếu có tăng cũng chỉ tác động đến số lượng người được hưởng không nhiều do chỉ một số lượng ít người được giao khoán bảo vệ.

      - Phải nói một thực tế là hiện nay nhiều các chủ rừng ở miền núi được giao rừng tự nhiên vừa qua (mà chủ yếu là rừng tái sinh tự nhiên, rừng phục hồi) đang rất bức xúc vì không có thu nhập gì đáng kể từ rừng mà luôn lo bị mất rừng hay các vấn đề pháp lý về rừng.
      Chúng ta cần có nghiên cứu phân loại và định hướng sử dụng và phát triển loại rừng này cho phù hợp hơn để người dân được hưởng lợi thực sự từ rừng và đất rừng được giao, kể cả việc cho cải tạo rừng để cải thiện sinh kế.

      - Một vấn đề nữa cũng rất đáng được nêu lên là vai trò của cộng đồng dân cư địa phương trong việc bảo vệ rừng; Phải chăng cần một cơ chế thỏa đáng hơn trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước cho các cộng đồng có nhiều rừng, các xã, huyện hay tỉnh có nhiều rừng.

      Xin được dừng lời ở đây.
      Lần nữa chúc hội thảo của chúng ta thành công; Chúc sức khỏe các quý vị!