TS Lê Khắc Côi
Chủ rừng muốn được cấp chứng chỉ quốc tế phải có hệ thống quản lý rừng tuân thủ các yêu cầu của Tiêu chuẩn và có đầy đủ bằng chứng chứng minh sự tuân thủ đó. Trong mỗi phần yêu cầu thực tế dưới đây sẽ mô tả (i) yêu cầu và (ii) bằng chứng chứng minh yêu cầu đó được tuân thủ.
3.1. Tuân thủ các yêu cầu của luật pháp Việt Nam, các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và Bộ tiêu chuẩn chứng chỉ rừng đăng ký
3.1.1. Yêu cầu tuân thủ
Chủ rừng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký và các yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn chứng chỉ rừng mà chủ rừng muốn được cấp chứng chỉ.
3.1.2. Bằng chứng chứng minh sự tuân thủ luật pháp Việt Nam, các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và các yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn chứng chỉ rừng mà chủ rừng muốn được cấp chứng chỉ.
3.1.2.1. Tư cách pháp nhân
Bằng chứng chứng minh sự tuân thủ của chủ rừng về tư cách pháp nhân bao gồm mà không giới hạn bởi:
1) Quyết định thành lập doanh nghiệp;
2) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư;
3) Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
4) Nghị quyết, Biên bản của Hội đồng thành viên nếu doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở chia, tách, hợp nhất và sáp nhập;
5) Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp;
6) Mã số thuế;
7) Tài khoản ngân hàng;
3.1.2.2. Tuân thủ luật pháp Việt Nam, các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký và Bộ tiêu chuẩn chứng chỉ rừng
Bằng chứng chứng minh sự tuân thủ của chủ rừng đối với luật pháp Việt Nam, các công ước quốc tế mà Việt Nam ký và Bộ tiêu chuẩn chứng chỉ bao gồm mà không giới hạn bởi:
1) Hồ sơ danh mục và toàn văn các quy phạm pháp luật Việt Nam liên quan;
2) Hồ sơ bằng chứng về việc người làm việc trong đơn vị hiểu và tuân thủ các quy phạm pháp luật Việt Nam liên quan;
3) Hồ sơ bằng chứng hoàn thành nghĩa vụ/trách nhiệm luật định và các hợp đồng đã ký;
4) Hồ sơ danh mục và toàn văn các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký;
5) Hồ sơ bằng chứng về việc người làm việc trong đơn vị hiểu và tuân thủ các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký;
6) Bộ tiêu chuẩn chứng chỉ rừng mà chủ rừng muốn được cấp chứng chỉ;
7) Hồ sơ quyết định thành lập Ban chứng chỉ rừng;
8) Hồ sơ bằng chứng về việc người làm việc trong đơn vị hiểu và tuân thủ các yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn chứng chỉ rừng mà chủ rừng muốn được cấp chứng chỉ;
3.2. Quyền và trách nhiệm sử dụng đất và rừng lâu dài
3.2.1. Yêu cầu tuân thủ
Chủ rừng có quyền, trách nhiệm sử dụng đất và rừng một cách hợp pháp và lâu dài.
3.2.2. Bằng chứng
Bằng chứng chứng minh chủ rừng có quyền, trách nhiệm sử dụng đất và rừng một cách hợp pháp và lâu dài bao gồm mà không giới hạn bởi:
1) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Quyết định giao đất, hoặc Sổ đỏ, hoặc Hợp đồng thuê đất);
2) Trường hợp đất và rừng được sử dụng theo quyền phong tục/truyền thống, phải có xác nhận bằng văn bản của cộng đồng và chính quyền địa phương về không có tranh chấp;
3) Ranh giới đất thuộc quyền sử dụng được xác định trên bản đồ và trên thực địa;
4) Thời hạn quyền sử dụng đất tối thiểu phải bằng thời gian một chu kỳ kinh doanh;
5) Chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất;
6) Hồ sơ chứng từ chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ về quyền và trách nhiệm sử dụng đất;
7) Kế hoạch sử dụng đất và rừng dài hạn (tối thiểu phải bằng thời gian một chu kỳ kinh doanh);
8) Hồ sơ chứng từ tranh chấp đất/rừng và chứng từ kết quả giải quyết tranh chấp đất/rừng;
3.3. Cam kết
3.3.1. Yêu cầu tuân thủ
Chủ rừng phải cam kết bằng văn bản, ở cấp quản lý cao nhất, thực hiện quản lý rừng của minh theo Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng quốc tế mà chủ rừng muốn được cấp chứng chỉ.
3.3.2. Bằng chứng chứng minh sự tuân thủ yêu cầu cam kết của chủ rừng
A. Văn bản cam kết, được ký và đóng dấu bởi cấp quản lý cao nhất, tuân thủ các yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn (gồm các tiêu chí và các chỉ số) xây dựng hệ thống quản lý rừng bao gồm mà không giới hạn bởi các nội dung:
1) Cập nhật và lưu trữ các quy phạm pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký. Tuân thủ các quy định tại các quy phạm pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký;
2) Hoàn thành các nghĩa vụ nộp thuế và các khoản lệ phí theo quy định;
3) Xác định rõ ràng bằng hồ sơ pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng. Trong trường hợp có tranh chấp về đất sẽ cùng cộng đồng địa phương và các bên liên quan giải quyết tranh chấp phù hợp với pháp luật Việt Nam;
4) Tôn trọng quyền sử dụng đất của người dân, tôn trọng vùng đất thuộc quyền sủ dụng của người dân và các vùng đất quan trọng liên quan đến khảo cổ, tôn giáo, tín ngưỡng, lịch sử, văn hóa;
5) Công bố cho các bên liên quan về kế hoạch quản lý rừng, cam kết thực hiện các nguyên tắc và tiêu chí của Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng. Thông tin cho các bên liên quan tóm tắt kết quả giám sát các hoạt động và tham vấn các bên liên quan. Luôn tôn trọng các ý kiến khách quan để xem xét, điều chỉnh nhằm hoàn thiện kế hoạch quản lý rừng.
6) Bình đẳng với cộng đồng trong việc tuyển dụng và đào tạo, tạo cơ hội cho người dân địa phương tham gia các hoạt động;
7) Có trách nhiệm với các yêu cầu về sức khỏe và an toàn lao động. Chỉ những nhà thầu tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn lao động mới được tham gia vào các hoạt động;
8) Không sử dụng hóa chất mà luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam cấm. Lao động phải được đào tạo và huấn luyện mới được phép làm việc với hóa chất. Sử dụng hóa chất theo đúng quy định, cập nhật khối lượng hóa chất đã sử dụng theo hệ thống;
9) Phương án quản lý rừng nêu rõ các mục tiêu và kế hoạch thực hiện các mục tiêu đó. Phương án quản lý này sẽ được sửa đổi khi có thay đổi về định hướng, phương pháp hoạt động hoặc trong trường hợp có những phát hiện mới từ kết quả giám sát. Thực hiện thường xuyên việc đánh giá và giám sát những vấn đề môi trường, xã hội và lưu trữ tài liệu, hồ sơ một cách hệ thống;
10) Thực hiện quy trình chuỗi hành trình sản phẩm. Sản phẩm khai thác từ rừng được cập nhật và lưu trữ một cách hệ thống.
B. Văn bản cam kết cần được in to dạng áp phích (poster) để dán ở văn phòng và copy khổ A4 gửi công khai cho cán bộ công nhân viên và các bên liên quan. Bản cam kết cũng có thể được công bố trên website và sử dụng như tờ rơi phát cho khách hàng, nhà cung ứng, đối tác, cơ quan truyền thông, ...
3.4. Tác động môi trường
3.4.1. Yêu cầu tuân thủ
Chủ rừng một mặt phải đảm bảo các hoạt động của minh không có tác động tiêu cực tới môi trường, mặt khác cần có những hoạt động để làm cho môi trường tại nơi minh hoạt động ngày càng tốt hơn.
3.4.2. Bằng chứng tuân thủ
Bằng chứng chứng minh sự tuân thủ của chủ rừng đối với tác động môi trường bao gồm mà không giới hạn bởi:
1) Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước, trong và sau khi hoạt động kết thúc;
2) Báo cáo tham vấn các bên liên quan về tác động môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường;
3) Kế hoạch các mục tiêu môi trường và hồ sơ thực hiện kế hoạch các mục tiêu môi trường;
4) Xác định các khu vực bảo vệ/bảo tồn trên bản đồ và trên thực địa cùng kế hoạch và hồ sơ thực hiện kế hoạch bảo vệ/bảo tồn;
5) Xác định các hệ sinh thái bảo vệ/bảo tồn trên bản đồ và trên thực địa cùng kế hoạch và hồ sơ thực hiện kế hoạch bảo vệ/bảo tồn;
6) Quy định về đường vận chuyển và hồ sơ về đường vận chuyển không gây xói mòn, rửa trôi đất, bồi lấp hoặc/và thay đổi dòng chảy của suối, sông;
7) Quy định về làm đất, trồng, chăm sóc cao su và hồ sơ về làm đất, trồng, chăm sóc cao su không gây tác động tiêu cực tới môi trường;
8) Quy định về khai thác mủ và gỗ và hồ sơ về khai thác mủ và gỗ không gây tác động tiêu cực tới môi trường;
9) Quy định về sử dụng hóa chất và hồ sơ sử dụng hóa chất không gây tác động tiêu cực tới môi trường;
10) Chỉ sử dụng hóa chất mà luật Việt Nam và Bộ tiêu chuẩn chứng chỉ không cấm;
11) Quy định về sử dụng tác nhân sinh học và hồ sơ sử dụng tác nhân sinh học;
12) Quy định về cây ngoại lai và cây xâm lấn và hồ sơ về cây ngoại lai và cây xâm lấn;
13) Không trồng cây biến đổi gien;
14) Không chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cao su;
15) Quy định kiểm soát các hoạt động trái phép (săn bắn, đánh bắt, …) và hồ sơ kiểm soát các hoạt động trái phép (săn bắn, đánh bắt, …);
16) Kế hoạch giám sát và đánh giá tác động môi trường và hồ sơ thực hiện kế hoạch giám sát và đánh giá tác động môi trường;
17) Kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng và hồ sơ thực hiện kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng;
3.5. Đa dạng sinh học và rừng có giá trị bảo tồn cao
3.5.1. Yêu cầu tuân thủ
Chủ rừng thực hiện đánh giá đa dạng sinh học, đánh giá rừng có giá trị bảo tồn cao trong khu vực mình hoạt động và phải duy trì đa dạng sinh học và rừng có giá trị bảo tồn cao.
3.6.2. Bằng chứng chứng minh sự tuân thủ của chủ rừng đối với yêu cẩu duy trì đa dạng sinh học và rừng có giá trị bảo tồn cao
Bằng chứng chứng minh sự tuân thủ của chủ rừng đối với yêu cẩu duy trì đa dạng sinh học và rừng có giá trị bảo tồn cao bao gồm mà không giới hạn bởi:
1) Bộ công cụ đánh giá rừng có giá trị bảo tồn cao của WWF trong đó (i) nói rõ 6 giá trị bảo tồn cao:
a. HCV 1: các diện tích rừng tập trung các giá trị đa dạng sinh học có ý nghĩa toàn cầu, khu vực hoặc quốc gia (chẳng hạn như các loài đặc hữu, các loài đang bị đe doạ (trong Nghị định 32, 2006; Sách đỏ Việt Nam, 2007; Danh lục IUCN).
b. HCV 2: các diện tích rừng bao gồm rừng cấp cảnh quan lớn có ý nghĩa toàn cầu, khu vực hoặc quốc gia, nằm trong hay bao gồm cả một đơn vị quản lý rừng, là nơi hầu hết nếu như không phải là tất cả các quần xã các loài tồn tại tự nhiên theo các kiểu phân bố và phong phú tự nhiên.
c. HCV 3: các diện tích rừng nằm bên trong hoặc bao gồm các hệ sinh thái quý hiếm, đang bị đe doạ hoặc nguy cấp.
d. HCV 4: các diện tích rừng cung cấp các dịch vụ cơ bản tự nhiên trong các tình trạng nghiêm ngặt (chẳng hạn như bảo vệ nguồn nước, kiểm soát tình trạng xói mòn đất)
e. HCV 5: các diện tích rừng thiết yếu trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cộng đồng địa phương (chẳng hạn như sinh kế, sức khỏe)
f. HCV 6: các diện tích rừng đóng vai trò quan trọng đối với bản sắc văn hoá truyền thống của các cộng đồng địa phương (các khu vực có ý nghĩa văn hoá, sinh thái, kinh tế hay tôn giáo được xác định với sự hợp tác của các cộng đồng địa phương đó);
g. và (ii) phương pháp xác định từng giá trị bảo tồn cao đó.
2) Báo cáo đánh giá đa dạng sinh học và rừng có giá trị bảo tồn cao và mô tả đa dạng sinh học và rừng có giá trị bảo tồn cao trong phương án quản lý rừng;
3) Đánh dấu các giá trị bảo tồn cao đã được xác định trên bản đồ;
4) Kế hoạch và các biện pháp duy trì các giá trị bảo tồn cao và đa dạng sinh học và hồ sơ thực hiện kế hoạch và các biện pháp duy trì các giá trị bảo tồn cao và đa dạng sinh học;
5) Kế hoạch giám sát và tham vấn với các bên liên quan để đánh giá hiệu quả của các biện pháp được áp dụng nhằm duy trì hoặc tăng cường các thuộc tính giá trị bảo tồn cao và đa dạng sinh học và hồ sơ thực hiện kế hoạch này;
6) Hồ sơ ghi chép quá trình giám sát và sử dụng các kết quả này để điều chỉnh phuong án quản lý cho phù hợp;
3.6. Quyền của người lao động
3.6.1. Yêu cầu tuân thủ
Chủ rừng đảm bảo người lao động làm việc cho minh được đảm bảo mọi quyền lợi luật định và quyền lợi yêu cầu bởi Bộ tiêu chuẩn chứng chỉ.
3.6.2. Bằng chứng tuân thủ
Bằng chứng chứng minh sự tuân thủ của chủ rừng đối với quyền của người lao động bao gồm mà không giới hạn bởi:
1) Quy định về tuyển dụng, đào tạo và hồ sơ tuyển dụng , đào tạo;
2) Quy định về hợp đồng lao động và hồ sơ về hợp đồng lao động;
3) Thỏa ước lao động tập thể;
4) Quy định về tiền lương, tiền công, bảo hiểm và hồ sơ về tiền lương, tiền công, bảo hiểm;
5) Quy định về sức khỏe, an toàn vệ sinh lao động và hồ sơ về sức khỏe, an toàn vệ sinh lao động, mất sức lao động, bệnh nghề nghiệp;
6) Quy định về bảo hộ lao động và hồ sơ về bảo hộ lao động;
7) Quy định về tai nạn lao động, mất sức lao động, bệnh nghề nghiệp và hồ sơ về tai nạn lao động, mất sức lao động, bệnh nghề nghiệp;
8) Quy định về cung cấp thông tin cho người lao động và hồ sơ về cung cấp thông tin cho người lao động;
9) Quy định về việc đóng góp ý kiến của người lao động và hồ sơ về việc đóng góp ý kiến của người lao động;
10) Quy định về quyền tham gia hội đoàn của người lao động và hồ sơ về quyền tham gia hội đoàn hội đoàn của người lao động;
11) Quy định về việc khiếu nại, tố cáo của người lao động và hồ sơ về việc khiếu nại, tố cáo của người lao động;
3.7. Quan hệ cộng đồng
3.8.1. Yêu cầu tuân thủ
Chủ rừng tôn trọng quyền hợp pháp và quyền theo phong tục của cộng đồng, có đóng góp tích cực cho cộng đồng trong vùng hoạt động của chủ rừng.
3.7.2. Bằng chứng tuân thủ
Bằng chứng chứng minh sự tuân thủ các yêu cầu của chủ rừng về quan hệ cộng đồng bao gồm mà không giới hạn bởi:
1) Báo cáo đánh giá tác động xã hội;
2) Tham vấn cộng đồng khi thực hiện đánh giá tác động xã hội và báo cáo đánh giá tác động xã hội;
3) Kế hoạch thực hiện các mục tiêu xã hội và hồ sơ thực hiện kế hoạch các mục tiêu xã hội;
4) Quy định tham vấn cộng đồng về phương án quản lý rừng và hồ sơ tham vấn cộng đồng về phương án quản lý rừng;
5) Quy định tham vấn cộng đồng về kế hoạch hoạt động hàng năm và hồ sơ tham vấn cộng đồng về kế hoạch hoạt động hàng năm;
6) Quy định về tôn trọng văn hóa, phong tục, tín ngưỡng, … của cộng đồng và hồ sơ về tôn trọng văn hóa, phong tục, tín ngưỡng, … của cộng đồng;
7) Quy định về giải quyết khiếu nại, tranh chấp, đền bù, … với cộng đồng và hồ sơ về giải quyết khiếu nại, tranh chấp, đền bù, … với cộng đồng;
8) Quy định về tham gia các sinh hoạt của cộng đồng và hồ sơ tham gia các sinh hoạt của cộng đồng;
9) Quy định về giám sát tác động xã hội và hồ sơ giám sát tác động xã hội;
(Còn nữa)
Trao đổi về chứng chỉ rừng ngoài hiện trường. Ảnh LKC.
Rừng trồng của các hộ gia đình ở thôn Đồng Giữa xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh NĐT tháng 8.2018
Đường vào bản Phạ xã Mường É huyện Thuận Châu, Sơn La. Ảnh NĐT tháng 1.2018.