TS Lê Khắc Côi
Kể từ sau tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất của Liên Hiệp Quốc tại Rio de Janeiro tháng 6 năm 19921, phát triển bền vững đã trở thành một trong những chiến lược được thế giới quan tâm nhiều nhất. Trong bối cảnh đó, lâm nghiệp cũng xem quản lý rừng bền vững là cách thể hiện trách nhiệm của các thế hệ hiện tại, trong khi thỏa mãn các nhu cầu của mình, không tạo ra tác động tiêu cực nào đối với nhu cầu về các loại sản phẩm từ rừng của các thế hệ tương lai.
Vào năm 1993 tại Toronto Canada, Hội đồng Quản trị rừng FSC2, một tổ chức phi chính phủ quốc tế thúc đẩy quản lý rừng bền vững ở cấp độ chuyên nghiệp cao, được thành lập, là một trong những tổ chức hưởng ứng sinh động và cam kết thiết thực nhất về chương trình phát triển bền vững toàn cầu trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tính đến ngày 04 tháng 12 năm 20193, trên toàn thế giới, đã có trên 200 triệu ha rừng được chứng chỉ FSC FM tại 82 quốc gia (chiếm khoảng trên 10% tổng diện tích rừng sản xuất toàn cầu) và trên 40 ngàn doanh nghiệp được chứng chỉ FSC CoC ở 127 quốc gia.
Muộn hơn FSC 6 năm, PEFC4 được thành lập năm 1999, cũng là một tổ chức hưởng ứng Chương trình phát triển bền vững, quy mô toàn cầu trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tính đến tháng 3 năm 2020, diện tích rừng được chứng chỉ PEFC FM là trên 331 triệu ha, ở 41 quốc gia. Số chứng chỉ PEFC CoC là trên 12 ngàn, ở 73 quốc gia5.
1. QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG
1.1. Quản lý rừng bền vững là gì?
Khái niệm quản lý rừng bền vững (QLRBV) được phát triển dựa trên khái niệm phát triển bền vững. Trong đó, phát triển bền vững là “phát triển nhằm đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không ảnh hướng tới khả năng tái tạo để đáp ứng nhu cầu tương lai“ (WCED6, 1987). Do vậy, QLRBV là quá trình quản lý rừng để đạt được một hay nhiều mục tiêu cụ thể đồng thời xem xét đến việc phát triển sản xuất dịch vụ và sản phẩm từ rừng, mà không làm giảm giá trị hiện có và ảnh hưởng đến năng suất sau này, cũng như không gây ra các tác động xấu đến môi trường tự nhiên và xã hội (ITTO7, 1998).
Tiếp cận quản lý rừng bền vững cần dựa trên: i) Kinh nghiệm thực tiễn, ii) Cơ sở khoa học và iii) Kiến thức truyền thống.
Như vậy, QLRBV là việc đóng góp của nghề rừng đến sự phát triển của quốc gia. Sự phát triển đó phải mang lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội, đồng thời, có thể cân bằng giữa nhu cầu hiện tại và tương lai.
Hình 1: Mô hình phát triển bền vững
Nguồn: WCED 1987
1.2. Tại sao cần quản lý rừng bền vững?
• Giảm thiểu các rủi ro về môi trường và xã hội: nâng cao nhận thức của công chúng về các tác động của nghề rừng. Duy trì những giá trị của rừng (sinh kế, môi trường, văn hóa, …) cho người dân địa phương.
• Đóng góp một phần vào sự phát triển: chẳng hạn tại một số vùng nông thôn thì nghề rừng có thể là lựa chọn phát triển và giúp xóa đói giảm nghèo phù hợp nhất.
• Mô hình kinh doanh mới: Thị trường đòi hỏi các sản phẩm từ rừng phải là sản phẩm xanh. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội và môi trường.
• Thách thức tương lai của nghề rừng: quản lý rừng không chỉ đơn thuần là sản xuất gỗ mà còn để thu được các dịch vụ dựa vào rừng, trong đó có dịch vụ môi trường. Giảm thiểu mất rừng ở các nước nhiệt đới.
Trên thực tế, cộng đồng quốc tế, các tổ chức môi trường, xã hội, chính phủ các nước tiến bộ, v.v. đòi hỏi các nhà quản lý rừng phải chứng minh được rằng rừng của họ đã được quản lý bền vững. Người tiêu dùng sản phẩm từ rừng đòi hỏi các sản phẩm lưu thông trên thị trường phải là các sản phẩm khai thác từ rừng được quản lý có trách nhiệm về môi trường và xã hội. Người sản xuất muốn chứng minh rằng các sản phẩm rừng (gỗ và lâm sản ngoài gỗ) được khai thác từ rừng đã được quản lý một cách bền vững.
Hình 2: Con người có trách nhiệm quản lý rừng
Nguồn: Trang Web FLEGT/VPA
Người hỡi!
Hồn Tổ Quốc ngự giữa rừng sâu thẳm
Rừng điêu tàn là Tổ Quốc suy vong
André Theuriet (1833-1907)
Thi sỹ, Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp
2. QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG THEO TIÊU CHUẨN CHỨNG CHỈ QUỐC TẾ
2.1. Chứng chỉ rừng
Hệ thống chứng chỉ rừng hiện nay chủ yếu có 2 loại:
1) Chứng chỉ FM – Chứng chỉ Quản lý rừng (Forest Management Certification): Là chứng chỉ cấp cho một hoặc các khu rừng được xác định đã tuân thủ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu liên quan đến các tiêu chuẩn bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế từ lúc trồng, quản lý đến khai thác, thu hoạch.
2) Chứng chỉ CoC – Chứng chỉ Chuỗi hành trình sản phẩm (Chain of Custody Certification): Là chứng chỉ cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp chứng minh được các sản phẩm chế biến từ gỗ được giao dịch từ các nguồn gốc đã được cấp chứng chỉ FM, các sản phẩm này có thể sử dụng nhãn mác chứng nhận của tổ chức chứng nhận.
Bên cạnh đó, còn có chứng chỉ gỗ có kiểm soát (Controlled Wood Certification)8. Là chứng chỉ xác nhận gỗ hoặc nguyên liệu gỗ không phải từ các nguồn sau: i) Gỗ khai thác trái phép; ii) Gỗ khai thác vi phạm các quyền truyền thống và dân sự; iii) Gỗ khai thác từ các khu rừng mà hoạt động quản lý đe doạ các giá trị bảo tồn cao; iv) Gỗ khai thác trong các khu rừng được chuyển đổi từ rừng tự nhiên và bán tự nhiên thành rừng trồng hoặc đất không có rừng; v) Gỗ từ rừng trong đó có trồng loài biến đổi gen.
2.2. Hệ thống chứng nhận FSC
2.2.1. Thông tin chung về Hội đồng quản trị rừng FSC
FSC là tổ chức phi chính phủ, thành lập năm 1993, trụ sở chính đóng tại Bonn, Đức. FSC là hiệp hội của các thành viên gồm đại điện của các NGO9s về môi trường và xã hội, chuyên gia lâm nghiệp, thương mại gỗ, tổ chức cấp chứng chỉ, v.v.
Sứ mệnh của FSC là làm cho rừng của thế giới đáp ứng được những quyền lợi về xã hội, sinh thái và kinh tế, những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không ảnh hưởng đến nhu cầu của các thế hệ tương lai.
FSC không trực tiếp đánh giá và cấp chứng chỉ mà uỷ quyền cho các tổ chức đánh giá (tổ chức chứng nhận) độc lập có đủ uy tín, kinh nghiệm, chuyên môn thay mặt FSC đánh giá các chủ rừng muốn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững của FSC.
Tại Việt Nam có các tổ chức sau đang hoạt động và đánh giá cấp chứng chỉ rừng FSC: SGS, GFA, Woodmark, SmartWood, Control Union.
Tính cho đến ngày 04 tháng 12 năm 2019, FSC có10:
• Tổng diện tích được chứng chỉ: 200.738.995 ha.
• Trên lãnh thổ: 82 quốc gia.
• Số giấy chứng nhận: 1.668.
• Phân bố của tổng diện tích được chứng nhận: 50,5% ở Châu Âu; 33,1% ở Bắc Mỹ; 6,9% ở Nam Mỹ và Caribbean; 1,3% ở Châu Úc, 3,0% ở Châu Phi, 5,2% ở Châu Á.
• Số chứng chỉ FSC CoC là 40.331 ở 127 quốc gia.
2.2.2. Bộ tiêu chuẩn FSC FM/CoC
Bộ tiêu chuẩn FSC FM/CoC nhấn mạnh về việc giảm thiểu hóa tác động bất lợi của các hoạt động đến môi trường, tối đa hóa lợi ích xã hội và duy trì giá trị bảo tồn quan trọng của rừng.
Tiêu chuẩn FSC có ý nghĩa quan trọng áp dụng toàn cầu, từ rừng nhiệt đới đến ôn đới ở các nước phát triển và đang phát triển.
Tiêu chuẩn FSC hiện hành [phiên bản FSC-STD-01-001 (version 4-0)]11 bao gồm 10 nguyên tắc. Trong đó, 9 nguyên tắc được áp dụng cho tất cả các loại rừng, nguyên tắc 10 được xây dựng riêng cho rừng trồng. Nội dung cụ thể của các nguyên tắc như sau:
1. Tuân thủ pháp luật và các nguyên tắc của FSC
2. Quyền và trách nhiệm trong sử dụng đất
3. Quyền của người bản địa
4. Quan hệ cộng đồng và quyền của người công nhân
5. Lợi ích từ rừng
6. Tác động môi trường
7. Lập kế hoạch quản lý
8. Giám sát và đánh giá
9. Duy trì rừng có giá trị bảo tồn cao
10. Rừng trồng
2.3. Hệ thống chứng nhận PEFC
2.3.1. Thông tin chung về Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng PEFC
• PEFC là tổ chức quốc tế phi lợi nhuận, phi chính phủ chuyên thúc đẩy quản lý rừng bền vững thông qua tổ chức chứng nhận độc lập thứ ba.
• PEFC làm việc thông qua toàn bộ chuỗi cung ứng từ rừng nhằm thúc đẩy quản lý rừng bền vững đảm bảo gỗ và lâm sản ngoài gỗ được sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn cao nhất về sinh thái, xã hội và đạo đức. Nhờ nhãn sinh thái đó, khách hàng và người tiêu dùng có thể xác định sản phẩm từ các khu rừng được quản lý một cách bền vững.
• PEFC là một tổ chức bảo trợ. Tổ chức này hoạt động bằng cách chấp nhận các hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia phát triển thông qua tiến trình có sự tham gia của nhiều bên liên quan và phù hợp với các ưu tiên và điều kiện của quốc gia đó.
Tính cho đến tháng 3 năm 2020, PEFC có12:
• Tổng diện tích được chứng chỉ: 331.804.118 ha.
• Trên lãnh thổ: 42 quốc gia.
• Phân bố của tổng diện tích được chứng nhận: 54% ở Bắc Mỹ; 35% ở Châu Âu; 4% in Châu Đại Dương; 3% ở Trung và Nam Mỹ; 4% ở Châu Á; và 0% Châu Phi.
• Số chứng chỉ PEFC CoC: 12.010.
Bắt đầu từ năm 2014, PEFC quyết định thâm nhập vào Việt Nam, thông qua Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS). Từ đó đến nay, nhiều hoạt động nhằm xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng cho Việt Nam dưới sự bảo trợ của PEFC đã được tiến hành. Kết quả là dự thảo 5.0 về quản lý rừng bền vững VNFCS FM/CoC và VNFCS CoC đã được Ban soạn thảo quốc gia thông qua.
2.3.2. Bộ tiêu chuẩn PEFC 13
• Nguyên tắc 1: Duy trì và tăng cường các nguồn tài nguyên rừng và sự đóng góp của chung cho chu trình các-bon toàn cầu.
• Nguyên tắc 2: Duy trì sức khỏe của hệ sinh thái rừng và sự tồn tại bền vững của hệ sinh thái rừng.
• Nguyên tắc 3: Duy trì và thúc đẩy các chức năng sản xuất của rừng (gỗ và lâm sản ngoài gỗ).
• Nguyên tắc 4: Duy trì, bảo tồn và tăng cường một cách phù hợp đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng.
• Nguyên tắc 5: Duy trì và tăng cường một cách phù hợp chức năng bảo vệ trong quản trị rừng (đặc biệt là đất và nước).
• Nguyên tắc 6: Duy trì các chức năng kinh tế-xã hội và các điều kiện của rừng.
• Nguyên tắc 7: Tuân thủ pháp luật.
1 1992 Rio Declaration on Environment and Development (United Nations) http://www.unep.org/Documents.Multilingual/Default.asp?documentid=78&articleid=1163
2 FSC là Forest Stewardship Council
3 FSC Facts & Figures
4 PEFC là Programme for the Endorsement of Forest Certification
5 PEFC Facts & Figures
6 WCED là World Commission on Environment and Development
7 ITTO là The International Tropical Timber Organization
8 FSC Controlled Wood Standard for Forest Management Enterprises-FSC-30-010-V2-0
FSC Requirements for Sourcing FSC Controlled Wood-FSC-STD-40-005-V3-1
9 NGO là viết tắt của Non-governmental Organization (Tổ chức phi chính phủ)
10 FSC Facts & Figures
11 FSC Principles and Criteria for Forest Stewardship-FSC-STD-01-001-V4-0
12 PEFC Facts & Figures
13PEFC International Standard-PEFC-ST-1003:2010
Trao đổi về chứng chỉ rừng ngoài hiện trường. Ảnh LKC.
Rừng trồng của các hộ gia đình ở thôn Đồng Giữa xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh NĐT tháng 8.2018
Đường vào bản Phạ xã Mường É huyện Thuận Châu, Sơn La. Ảnh NĐT tháng 1.2018.