X

HỘI CHỦ RỪNG VIỆT NAM

VÀI LỜI KHAI MẠC HỘI THẢO TIẾP CẬN ĐA BÊN TRONG GIÁM SÁT ĐÁNH GIÁ CHÍNH SÁCH CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG
(Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, ngày 28/5/2020)

      Thưa các quý vị!
      Thưa các vị đại biểu tham dự hội thảo.

      Cùng với phát biểu tuyên bố lý do của Giám đốc Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature), thay mặt cho các bên đồng tổ chức hội thảo, lần nữa cho tôi được có lời chào mừng sự có mặt của các quý vị tại hội thảo; Chúc cho hội thảo của chúng ta thành công, chúc sức khỏe các quý vị.

      Sự có mặt đông đảo của các quý vị tại hội thảo cũng đã nói lên sự quan tâm của các quý vị cũng như của xã hội đến cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng như vấn đề giám sát đánh gia trong cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng này.
      Tôi cũng phải nói lời cảm ơn của Hội Chủ rừng Việt Nam đến PanNature vì đã mời tham gia và đồng chủ trì hội thảo quan trọng này.
      Chúng tôi cũng được biết đã có nhiều các tổ chức và cá nhân quan tâm đến việc giám sát, đánh giá trong chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đã có những bài viết, các hội thảo, có những hoạt động thực tiễn trong giám sát đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nội dung hội thảo hôm nay hy vọng sẽ góp thêm một phần nào đó vào vấn đề mà chúng ta đang nói tới, nhất là về cách tiếp cận đa bên trong giám sát đánh giá chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
      Theo chương trình hội thảo chúng ta sẽ được nghe và thảo luận sâu hơn về các cách tiếp cận, các nguyên tắc thiết kế và xây dựng hệ thống giám sát – đánh giá Chi trả DVMTR, từ lý luận và thực tiễn.

      Là một trong những người có may mắn tham gia vào quá trình xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng từ đầu, tôi xin được có đôi lời trao đổi cùng các quý vị để tham khảo thêm về vấn đề mà chúng ta sẽ thảo luận.
      Phải nói ngay là khi xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng, chúng tôi cũng đã đề cập đến vấn đề giám sát đánh giá, tuy nhiên đã chưa thể đưa ra được những quy định cụ thể (cho đến ngày tôi nghỉ hưu). Lý do thì có nhiều, nhưng có thể đây là vấn đề mới, một vấn đề không dễ và cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau.
      Chúng ta đang nói tới giám sát, đánh giá; Và vấn đề đặt ra: Ai là người có nhu cầu giám sát đánh giá này?, Nội dung cũng như phạm vi giám sát đánh giá? Xử lý vấn đề sau giám sát đánh giá cũng như kết quả của hoạt động này?
      Các câu hỏi đó chỉ có thể trả lời từ bản chất của vấn đề, từ bản chất của đối tượng giám sát đánh giá.
      Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam được chúng tôi hiểu khi xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ và sau này là Chính phủ ban hành thành Nghị định, về bản chất, là việc chi trả của người (hay là đối tượng) sử dụng dịch vụ môi trường của rừng cho người có rừng (hay là chủ rừng). (Bản thân cụm từ “Chi trả dịch vụ môi trường rừng” khi lựa chọn cũng còn nhiều ý kiến khác nhau vì nó chưa nói được hết bản chất của cơ chế này).
      Cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng là mối quan hệ chi trả dịch vụ giữa hai bên, tức là giữa người sử dụng dịch vụ và người có rừng để tạo ra dịch vụ đó.
      Cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng ở nước ta được xây dựng từ các nguyên lý của chi trả dịch vụ môi trường (Thường được nhắc đến các nguyên tắc, nguyên lý hay cách tiếp cận, như: trực tiếp, tự nguyện, thỏa thuận, minh bạch..) nhưng đồng thời cũng có những cái riêng phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Một trong những đặc thù đó là: phần nhiều diện tích rừng ở nước ta là thuộc Nhà nước, phần lớn các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ môi trường rừng (với điều tiết nguồn nước) cũng thuộc Nhà nước; Số lượng các chủ rừng là rất lớn – là con số hàng triệu – và để mỗi đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng chi trả trực tiếp cho các chủ rừng là ít khả thi lúc bấy giờ. Vì vậy chúng ta đã có thêm cơ chế bên chi trả và bên nhận tiền chi trả ủy nhiệm cho bên thứ 3, và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng – một tổ chức tài chính Nhà nước trong ngành lâm nghiệp, đã được luật BV&PTR lúc bấy giờ luật hóa - là một sự lựa chọn. Và bản thân cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng này cũng đã được luật hóa sau đó.
      Như vậy, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng ở nước ta về bản chất là mối quan hệ chi trả bởi/từ dịch vụ môi trường của rừng giữa người sử dụng dịch vụ với người có rừng thông qua một tổ chức mà họ ủy thác là Quỹ bảo vệ phát triển rừng Việt Nam và quỹ ở các địa phương. Các quy định của luật và của Chính phủ vẫn luôn đề cao cơ chế chi trả trực tiếp nếu có điều kiện.
      Với một mối quan hệ có tính dân sự này nhưng lại được Nhà nước luật hóa bằng quy định pháp luật, nhu cầu giám sát đánh giá có ở cả 3 đối tương với các đối tượng còn lại. Người nhận chi trả (tức là các chủ rừng) và người chi trả có thể giám sát lẫn nhau về việc thực hiện các nghĩa vụ của mình. Người chi trả và người nhận chi trả có thể giám sát tổ chức mà mình ủy thác (Quỹ bảo vệ và phát triển rừng) về việc thực hiện những nội dung được ủy thác cũng như các quy định của luật pháp. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng đồng thời cũng có trách nhiệm giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ của bên chi trả và người nhận chi trả. Và xã hội nói chung cũng có quyền và nghĩa vụ giám sát quá trình này, bởi vấn đề liên quan đến cả xã hội, đến môi trường và cũng bởi cơ chế đó đã được luật hóa.
      Các nội dung, tiêu chí hay tiêu chuẩn giám sát đánh giá thường đã được quy định bởi các hợp đồng chi trả và chỉ có thể trên cơ sở các hợp đồng này cũng như các quy định khác của luật pháp có liên quan.

      Trong hơn 10 năm thực hiện vừa qua, chúng tôi cũng được biết đã có nhiều các đánh giá về chính sách này. Và có thể một vài nguyên tắc hay cách tiếp cận từ khi xây dựng cơ chế chi trả đã có những điều chỉnh; việc đó âu cũng là bình thường.
      Thời gian qua, chúng tôi cũng được nghe một vài ý kiến của những người có trách nhiệm về hiệu quả của chính sách, như: việc thực hiện chính sách có nâng cao được đời sống của người dân miền núi hay của người có rừng? rồi vấn đề công bằng trong việc diện tích rừng này có chi trả, diện tích khác thì không, hoặc có mức chi trả chênh lệch còn lớn? hay có chi trả dịch vụ môi trường rừng rồi, sao rừng vẫn bị mất hay bị chặt phá ở đâu đó? ..
      Cũng nhân cơ hội này, tôi xin được trao đổi thêm một số ý sau đây:
      Cơ chế chi trả dịch vụ môi trường của rừng là rất mới với tất cả chúng ta. Để thuyết phục được những người sử dụng dịch vụ môi trường rừng thực hiện việc chi trả, trong đó có tất cả chúng ta ngồi ở đây, là một vấn đề không đơn giản (tôi không muốn mất nhiều thời gian vào vấn đề này).
      Vì vậy, khi lựa chọn các loại dịch vụ để chi trả, chúng tôi đi từ những dịch vụ đễ chấp nhận hơn, dễ thực hiện hơn (chứ chưa là tất cả các dịch vụ của rừng).
      Khi lựa chọn mức chi trả, chúng tôi chọn mức thấp nhất và dễ được chấp thuận nhất lúc bấy giờ; bởi thấp còn hơn là không ai chi trả cho chủ rừng trước đó. Mức chi trả mà chúng tôi lựa chọn chưa phải là mức để cho người có rừng yên tâm giữ lại rừng vì đã có tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; mà chỉ như một nguồn động viên, như một sự ghi nhận của người khác, của xã hội về rừng bằng một số tiền chi trả cụ thể; và dù ít còn hơn là xã hội cứ nói về vai trò của rừng mà không làm gì cả!
      Mức chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện nay, theo chúng tôi nhận thấy, là còn thấp, tuy vậy cũng đã góp phần vào việc cải thiện đời sống người dân có rừng hay bảo vệ rừng và góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.
      Tôi cũng muốn nói thêm rằng: nói về hiệu quả của việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, chúng ta phải nói tới hiệu quả bảo vệ rừng chung của cả nước, của mỗi địa phương hay mỗi vùng rừng nào đó, chứ chưa thể nói tới việc bảo vệ hay giữ lại một khu rừng, một vài ha rừng cụ thể; vì như trên tôi đã nói tới mức chi trả dịch vụ môi trường rừng mà hiện nay chúng ta đang thực hiện chưa là một yếu tố kinh tế để người chủ rừng có thể cân nhắc giữ lại rừng hay không? (Trong thực tế, hiện nay nhiều chủ rừng cũng đã nghĩ về việc đó như người cày được suy nghĩ trên luống cày của mình).
      Để bảo vệ được rừng, chúng ta sẽ cần nhiều hơn các cơ chế như cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng, cần nhiều hơn các loại dịch vụ môi trường của rừng được chi trả, mức chi trả cần được tính toán cân nhắc nhiều hơn, cần hơn việc tạo điều kiện để người chi trả và người nhận chi trả trực tiếp tiếp cận với nhau. Và đương nhiên, trong điều kiện hiện nay chúng ta vẫn còn phải sử dụng các quy định về cấm phá rừng theo luật pháp.

      Xin được dừng lời ở đây.
      Lần nữa chúc hội thảo của chúng ta thành công; Chúc sức khỏe các quý vị!