<HCRVN góp ý kiến dự thảo Nghị định về chính sách LN 2021

HỘI CHỦ RỪNG VIỆT NAM

MỘT SỐ Ý KIẾN THAM GIA CỦA HỘI CHỦ RỪNG VIỆT NAM VỀ DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH CỦA CP VỀ CHÍNH SÁCH LÂM NGHIỆP
(Toàn văn văn bản của Hội Chủ rừng Việt Nam, số 19 /HCRVN ngày 21/06/2021 V/v góp ý dự thảo Nghị định về Chính sách đầu tư trong Lâm nghiệp)

            Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và PTNT (Tổng cục Lâm nghiệp)!

      Hội Chủ rừng Việt Nam nhận được văn bản số 2664/BNN-TCLN ngày 10/5/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị góp ý dự thảo Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp (dự thảo NĐ). Sau khi nghiên cứu dự thảo, Hội có một số ý kiến như sau:

      I. VỀ QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH
      - Dự thảo Nghị định này được xây dựng trên cơ sở kế thừa nhiều văn bản chính sách hiện hành; tuy nhiên, do chưa được tiếp cận với các báo cáo tổng kết đầy đủ và đánh giá việc thưc hiện các chính sách trong thời gian vừa qua nên Hội gặp khó khăn trong việc góp ý cho dự thảo Nghị định.
      - Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định: đề nghị cân nhắc việc đưa tất cả các chính sách về lâm nghiệp vào một Nghị định hay chỉ nên đưa vào Nghị định những chính sách đã có tổng kết, đánh giá và đã rõ để bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật.
      - Về nguyên tắc xây dựng chính sách đầu tư trong lâm nghiệp: các nguyên tắc này về cơ bản đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156/2018/NĐ-CP và cũng có quy định “mở” để Chính phủ quyết định cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ.
      Dựa trên yêu cầu của công tác quản lý đối với các loại rừng, đề nghị xác định nguyên tắc đầu tư khi xây dựng các chính sách trong giai đoạn này như sau:
      + Hoạt động quản lý và bảo vệ đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng là Nhà nước bảo đảm đầu tư kinh phí (không nên gộp chung đầu tư của quản lý, bảo vệ, phát triển rừng vào cùng một nguyên tắc là dầu tư tùy vào điều kiện ngân sách của Nhà nước);
      + Các hoạt động khác: tùy thuộc điều kiện Nhà nước có thể bảo đảm kinh phí hoặc hỗ trợ/ưu đãi.
      Theo đó, việc quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng được xác định là trách nhiệm của Nhà nước và của xã hội; Các hoạt động quản lý, bảo vệ với các loại rừng này của các tổ chức, cá nhân là một loại hoạt động công ích do Nhà nước đặt hàng. Nhà nước bảo đảm đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo vệ (Điều 87, NĐ 156/2018/NĐ-CP) thông qua định mức, đơn giá đặt hàng đối với tổ chức dịch vụ công ích gắn với cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công (NĐ 141/2016/NĐ-CP). Đây là nguyên tắc đảm bảo sự tương thích với các Nghị định liên quan hiện hành. Do vậy, khi xác định lại nguyên tắc như trên thì các điều liên quan tại Chương II (của dự thảo Nghị định này) phải xác định lại cho phù hợp.

      II. Ý KIẾN ĐỐI VỚI CÁC NỘI DUNG TRONG DỰ THẢO
      1. Ý kiến chung
      - Dự thảo Nghị định này và Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (NĐ 156/2018/NĐ-CP) (quy định các nội dung được hướng dẫn ở một số điều có liên quan) có liên quan chặt chẽ với nhau. Vì vậy, ở dự thảo Nghị định này đề nghị cân nhắc theo hướng: chỉ nên quy định phương thức, điều kiện, đối tượng, mức đầu tư/hỗ trợ, trình tự, …. để thực hiện; còn nội dung chi sẽ theo quy định của NĐ 156/2018/NĐ-CP. Trường hợp cần cụ thể hơn nội dung chi thì cần phải cân nhắc để bảo đảm không mâu thuẫn với quy định có liên quan tại NĐ 156/2018/NĐ-CP.
      - Dự thảo NĐ này có bãi bỏ một số văn bản; do vậy, cần rà soát để không bỏ sót các chính sách đang thực hiện; trường hợp bỏ hoặc thay đổi cần có lý giải, nhất là đối với các thay đổi theo hướng bất lợi hơn trước, ví dụ: thu hẹp đối tượng hưởng (Điều 10, …)
      - Về chính sách đối với phát triển trồng rừng gỗ lớn: hiện nay đã có một số chính sách quy định. Tại các Điều trong dự thảo NĐ này, chính sách đối với vấn đề này cũng đã được quan tâm hơn (các mức hỗ trợ, ưu đãi cao hơn); tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn mờ nhạt và chưa thể hiện được tinh thần trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Chiến lược). Cụ thể như sau:
      + Về đối tượng: hộ gia đình, cá nhân được hưởng hỗ trợ thu hẹp hơn so với quy định tại Điều 5 QĐ 38/2016/QĐ-TTg
      + Các chính sách chưa có sự tách biệt giữa phát triển RSX nói chung và trồng rừng gỗ lớn để có những chính sách hỗ trợ cao hơn nhằm thúc đẩy hoạt động này trong thời gian tới.
      + Tại điểm c mục 1 phẩn III của Chiến lược có viết: “Phát triển vùng trồng cung cấp nguyên liệu tập trung, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào phát triển rừng thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích về đất đai, tín dụng, bảo hiểm, thuế, thị trường”; và tại điểm c mục 1 phần IV của Chiến lược có viết: “Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách bảo hiểm trong lâm nghiệp, bảo hiểm rừng trồng”. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định này chưa đề cập đến chính sách bảo hiểm này.
      - Về các chính sách đối với thương mại lâm sản: nội dung này trong dự thảo Nghị định còn hạn chế. Do vậy, đề nghị nghiên cứu các văn bản có liên quan (nhất là NĐ 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn), điều chỉnh cho phù hợp với tính đặc thù của sản xuất lâm nghiệp để bổ sung vào dự thảo Nghị định này.
      - Trong dự thảo Nghị định nhiều chỗ dùng cụm từ “dự án hỗ trợ đầu tư”: đề nghị cân nhắc khi dùng khái niệm này vì theo Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công đều không có loại dự án này (chỉ có dự án đầu tư). Hoạt động hỗ trợ nên được thực hiện theo các hình thức phù hợp (như theo đăng ký của đối tượng được hỗ trợ, lập kế hoạch hỗ trợ hàng năm của cấp có thẩm quyền, có quy định cụ thể về các điều kiện hỗ trợ, trình tự, thủ tục thanh quyết toán); Nếu vẫn dùng dự án hỗ trợ thì đề nghị phải giải thích rõ và các dự án này có bị điều chỉnh bởi luật đầu tư công ở mức độ nào?.
      2. Các ý kiến góp ý cụ thể
      2.1. Đối với dự thảo Tờ trình
      Tại Mục III (Quá trình xây dựng dự thảo Nghị định), khoản 3 viết: “Triển khai tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách lâm nghiệp trong thời gian từ 2016-2020 tại địa phương và cấp Trung ương.”
      Đề nghị thông tin rõ (có thể là phụ lục của Tờ trình) tình hình và mức độ đầu của Nhà nước hằng năm cho cho các hoạt động lâm nghiệp đã được Nhà nước ban hành giai đoạn 2016-2020; các nguồn lực khác đã được huy động. Qua đó đánh giá kết quả của những cơ chế, chính sách đã ban hành, xác định nguyên nhân để khắc phục và đảm bảo rằng các chính sách dự thảo đưa ra trong giai đoạn tới sẽ khả thi.
      Trong tờ trình cần thể hiện rõ các nguyên tắc xây dựng chính sách đầu tư cho lâm nghiệp (đồng thời bỏ điều 4 trong dự thảo Nghị định).
      2.2. Đối với dự thảo Nghị định
      2.2.1. Điều 4:
      - Đề nghị cân nhắc bỏ Điều 4 (nguyên tắc xây dựng chính sách đầu tư trong lâm nghiệp) vì các nguyên tắc này đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp, nội dung các chính sách cũng đã được xác định trong Nghị định 156/2018/NĐ-CP và Nghị định này chỉ là cụ thể đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục để thực hiện. Vấn đề quan trong của Nghị định này là phải bảo đảm các nguyên tắc đó được thể hiện đúng và rõ ràng trong nội dung của các điều, nhất là các điều trong Chương II.
      - Khoản 3: đề nghị xem lại nguyên tắc này vì chưa phù hợp với quy định tại khoản 9 Điều 87 NĐ 156/2018/NĐ-CP
      - Khoản 5: đề nghị cân nhắc cụm từ “dự án đầu tư bảo vệ rừng” vì việc quản lý, bảo vệ rừng là hoạt động thường xuyên, liên tục và không thể chỉ quản lý, bảo vệ rừng khi có dự án được duyệt và việc quản lý dự án hay thanh quyết toán việc quản lý, bảo vệ rừng theo dự án là rất khó khăn cho cơ sở.
      2.2.2. Điều 5:
      * Khoản 1: Đề nghị nghiên cứu sửa theo hướng: với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ xác định rõ gồm những đối tượng rừng nào theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp là đối tượng được đầu tư (hỗ trợ) vì ngân sách có hạn nên không phải tất cả đều được đầu tư; Tùy thuộc vào nguồn lực và điều kiện cụ thể, Nhà nước nên cân nhắc ưu tiên đầu tư cho các loại rừng đặc dụng/phòng hộ thực sự cần thiết (Ví dụ: theo mục a khoản 3 Điều 5, thì cộng đồng dân cư được giao rừng tín ngưỡng hoặc rừng phòng hộ bảo nguồn nước được hỗ trợ 500.000đ/ha/năm).
      * Khoản 2 và khoản 3: Theo Luật Lâm nghiệp và NĐ 156/2018/NĐ-CP dựa vào loại rừng và các hoạt động để xác định hình thức đầu tư (bảo đảm đầu tư/hỗ trợ đầu tư/ưu đãi đầu tư). Tuy nhiên, tại dự thảo NĐ việc xác định hình thức đầu tư lại dựa vào loại chủ rừng; Đề nghị xem lại cho phù hợp với Luật Lâm nghiệp, NĐ 156/2018/NĐ-CP và ngay cả với khoản 2 Điều 4 của dự thảo NĐ này.
      * Khoản 3: Đề nghị xem lại hình thức đầu tư vì quy định “hỗ trợ” với các đối tượng này sẽ không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 4 (là Nhà nước bảo đảm đầu tư) Đề nghị phân biệt rõ giữa việc Nhà nước đảm bảo đầu tư cho quản lý, bảo vệ rừng thuộc Nhà nước (trực tiếp quản lý thông qua các Ban quản lý rừng Nhà nước, các CTLN NN..) với việc hỗ trợ bảo vệ các loại rừng này khi rừng đã được giao cho các đối tượng ngoài Nhà nước quản lý.
      * Khoản 4: về khoản bảo vệ rừng
      - Cần cân nhắc nguồn kinh phí khoản bảo vệ rừng tại khoản này lấy ở đâu? hay nằm trong kinh phí cấp/hỗ trợ tại khoản 2 và 3 Điều này? cần quy định rõ.
      - Điểm a/4: Về đối tượng khoán: quy định tại điểm này là mở rộng hơn (cụ thể là bổ sung đơn vị vũ trang và UBND cấp xã) so với quy định tại Nghị định 168/2016/NĐ-CP quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các BQLRĐD RPH và C.ty TNHH 1 thành viên N,LN Nhà nước (NĐ 168/2016/NĐ-CP).
      Đề nghị cân nhắc việc bổ sung hoạt động khoán bảo vệ rừng này đối với UBND cấp xã vì đối tượng này không phải là chủ rừng và sẽ không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 NĐ 168/2016/NĐ-CP; đồng thời nếu cho phép UBND xã thực hiện hoạt động này sẽ không phù hợp với quan điểm “rừng có chủ” và không thúc đẩy việc giao đất, giao rừng ở các địa phương. Nên nghiên cứu quy định theo hướng bổ sung nguồn ngân sách để UBND xã thành lập các tổ, đội bảo vệ rừng trong thời gian tạm quản lý.
      - Điểm c/4: khổ thứ 2 và khổ thứ 3 không phù hợp với mũ của điểm; đề nghị:
      + Khổ thứ 2: chuyển xuống thành điểm d của khoản 2 Điều 29
      + Khổ thứ 3: đề nghị gộp vào điểm b khoản 1 Điều này và viết gọn lại
      - Điểm d/4:
      + Khổ thứ 2: đề nghị xem lại vì đối tượng khoán tại khổ này không có trong đối tượng tại điểm a khoản 1 Điều này
      + Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này sẽ còn đối tượng là rừng SX là rừng tự nhiên do các BQL, UBND xã quản lý: vậy mức khoán sẽ như thế nào?
      2.2.3. Điều 7: Đề nghị xem lại hình thức đầu tư tại Điều này vì hoạt động này mà quy định “hỗ trợ” là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 4 (là Nhà nước bảo đảm đầu tư).
      2.2.4. Điều 8
      Điểm b khoản 1: đề nghị xem lại việc quy định điều kiện của hộ gia đình, cá nhân tại điểm này có trùng với điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này không?
      2.2.5. Điều 9: Đề nghị chuyển Điều này lên trước Điều 8 để bảo đảm tính logic của văn bản.
      2.2.6. Điều 10
      * Đề nghị bổ sung sau khoản 4 khoản quy định về “ Phương thức hỗ trợ” tương tự như khoản 4 Điều 8 và lấy nội dung tại đoạn cuối của điểm b khoản 5 Điều này lên (đoạn: “ kinh phí hỗ trợ sau đầu tư ….. và được nghiệm thu”).
      * Khoản 5: đề nghị sửa như sau:
      “5. Trình tự lập và thực hiện dự án hỗ trợ đầu tư (nếu vẫn để lại trong NĐ)
      a) Lập dự án: nội dung từ mục a1 đến a3 (nội dung trong các mục này viết đảo chủ thể lên đầu câu)
      b) Thực hiện dự án: nội dung là mục a4, a5 và điểm b (phần còn lại)
      2.2.7. Điều 14:
      * Đề nghị cân nhắc để xác định lại các điều kiện tại khoản 1, 2 và 3 của Điều này vì quy định như dự thảo thì mỗi khoản sẽ có thể có những đối tượng khác nhau được hưởng (ví dụ trường hợp có 10 hộ gia đình mỗi hộ có 3ha, liên kết với 1 doanh nghiệp có 270ha: nếu theo khoản 1 thì chỉ có 10 hộ với 30ha được hưởng hỗ trợ theo mức tại khoản 2; nhưng nếu theo khoản 2 thì sẽ có 30ha của 10 hộ và 270ha của doanh nghiệp sẽ được hưởng mức tại khoản 2)
      Đồng thời nghiên cứu viết lại theo hướng: khoản 1: chỉ quy định đối tượng được hưởng; khoản 2: chỉ quy định mức hỗ trợ và phương thức hỗ trợ; khoản 3: quy định các điều kiện (kể cả của đối tượng được hưởng)
      * Khoản 4: đề nghị bổ sung thêm doanh nghiệp vào đối tượng đề nghị Sở NN&PTNT.
      2.2.8. Điều 15
      * Khoản 2:
      - Điểm đ: đề nghị sửa thành “phương thức hỗ trợ” cho thống nhất với cách dùng tại khoản 4 Điều 8
      - Đề nghị bổ sung nội dung quy định trình tự, thủ tục để được nhận hỗ trợ.
      * Khoản 3: tương tự như góp ý đối với khoản 2:
      - Điểm e: đề nghị sửa thành “e) Phương thức hỗ trợ”
      - Bổ sung thêm 1 điểm quy định trình tự, thủ tục để được nhận hỗ trợ.
      2.2.9. Điều 17
      * Điểm c khoản 1: tương tự điểm đ khoản 2 Điều 15: đề nghị sửa thành “phương thức hỗ trợ” cho thống nhất với cách dùng tại khoản 4 Điều 8.
      * Khoản 2: đề nghị bổ sung 1 điểm quy định về “Phương thức hỗ trợ” tương tự như điểm c khoản 1.
      2.2.10. Điều 20
      - Theo quy định của NĐ 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ thì những hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với những sản phẩm có trong Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển mới được hưởng các chính sách quy định tại Nghị định này. Đồng thời, trong Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển ban hành kèm theo chưa có các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản.
      Vì vậy, nếu viết chung chung như quy định tại khoản 1 Điều này sẽ không thể áp dụng được. Đề nghị, cần phải xác định cụ thể các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm để bổ sung vào Danh mục này.
      - Các quy định của NĐ 111/2015/NĐ-CP đang áp dụng cho 1 số ngành sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong chế biến công nghiệp. Vì vậy, đề nghị rà soát, xác định xem các quy định này có phù hợp với chế biến lâm sản hay không để có điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của chế biến lâm sản (nếu có).
      2.2.11. Điều 21
      * Khoản 1:
      - Nội dung quy định tại khoản này chưa rõ hộ gia đình, cá nhân sẽ làm thủ tục gì để được hưởng hỗ trợ. Cần nghiên cứu để quy định tương tự như quy định tại điểm a khoản 2 Điều này để hộ gia đình, cá nhân dễ thực hiện.
      - Điểm b: Đề nghị làm rõ hơn việc thiết kế “ theo thiết kế được duyệt” để dễ áp dụng văn bản quy định.

      3. Hội Chủ rừng Việt Nam đã nhận được và xin gửi kèm theo bản góp ý của Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Hà Nội (thành viên của Hội) ./.

      TM. HỘI CHỦ RỪNG VIỆT NAM
      KT CHỦ TỊCH
      PHÓ CHỦ TỊCH, TỔNG THƯ KÝ
      (đã ký)
      Nguyễn Bá Ngãi