VỀ XÂY DỰNG VÀ HÌNH THÀNH CÁC TỔ CHỨC HỘI CHỦ RỪNG Ở CƠ SỞ
(Hứa Đức Nhị, 11/2013 – 06/2020)
Với chính sách giao đất giao rừng từ những năm 1990, cùng với các tổ chức quản lý rừng của Nhà nước, hàng triệu các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn bản và các tổ chức khác được giao rừng hay được giao đất để trồng rừng đã trở thành các chủ rừng đông đảo.
Được ghi nhận trong Luật bảo vệ và phát triển rừng (2004) và Luật lâm nghiệp (2017), các chủ rừng có những lợi ích từ rừng đồng thời với các quyền và nghĩa vụ cụ thể. Trong thực tiễn hoạt động, các chủ rừng cũng gặp không ít những khó khăn trong quản trị rừng, trong thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ rừng và rất cần được liên kết, giúp đỡ lẫn nhau trong một tổ chức mang tính xã hội nghề nghiệp của mình – hội chủ rừng.
Sau thời gian chuẩn bị và vận động, được sự cho phép của Bộ Nội vụ, Hội Chủ rừng Việt Nam đã chính thức được thành lập tại đại hội thành lập trong các ngày 8 và 9/11/2016.
Với đặc thù về đối tượng chủ rừng là hội viên của hội hoạt động và gắn bó với nhau chủ yếu ở cơ sở; tổ chức hội chủ rừng vì vậy chỉ có thể phát huy tác dụng nếu được tổ chức tại cơ sở.
Hiện nay, Hội Chủ rừng Việt Nam đã được thành lập và đã tổ chức được một số tổ chức cơ sở của hội tại một số địa phương; Tuy nhiên, Hội cũng mong muốn đồng thời phát triển và hình thành nhiều loại hình các tổ chức hội chủ rừng ở cơ sở, kể cả là các tổ chức độc lập hay các tổ chức cơ sở thuộc Hội Chủ rừng Việt Nam. Vì vậy, người viết bài này muốn được giới thiệu lại bài viết về vấn đề này từ năm 2013 (tức là trước khi thành lập HCRVN) để độc giả tham khảo.
1, Việc tổ chức hội là rất cần thiết, tuy nhiên cũng cần khắc phục tình trạng các tổ chức hội ở cơ sở trở nên “năng nề” và thiếu các hoạt động có ích cho mỗi hội viên; việc tổ chức và hoạt động hội ở cơ sở cần rất linh hoạt và có nhiều những hoạt động thực chất.
Các hoạt động của tổ chức hội ở cơ sở cần vừa có tính thường xuyên, liên tục và vừa có tính phục vụ (dịch vụ) cho hội viên mỗi khi có nhu cầu.
+ Về tính thường xuyên, liên tục trong các hoạt động và tổ chức của hội ở cơ sở:
Tổ chức hội viên của hội chủ rừng ở cơ sở được hình thành cơ bản là trên cơ sở danh sách các hội viên với diện tích và trữ lượng rừng được cập nhật và thống kê theo dõi hàng năm.
Danh sách hội viên luôn liên kết với dữ liệu về rừng của từng hội viên ở cơ sở; các dữ liệu này đồng thời luôn có thể cập nhật và cung cấp cho các chủ rừng, đồng thời đáp ứng cho các cấp chính quyền trong quản lý nhà nước về rừng.
Hội chủ rừng có thể thông qua các dữ liệu này để giúp các chủ rừng và cấp chính quyền cơ sở để thực hiện nhiệm vụ thống kê rừng hàng năm. Việc thống kê rừng sẽ được trích ra từ dữ liệu cũ và cập nhật bổ sung của các chủ rừng về những biến động trong năm.
Hội chủ rừng ở cơ sở có thể phối hợp với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, hoặc giúp tư vấn cho Quỹ trong việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, bởi hội có dữ liệu về rừng khá đầy đủ và có mối liên hệ khá chặt chẽ với các chủ rừng.
+ Về tính phục vụ của hội cho các hội viên khi có nhu cầu:
Hội chủ rừng ở cơ sở có thể giúp hay tư vấn cho các chủ rừng trong các mối quan hệ với chính quyền sở tại, như việc xin phép khai thác, sử dụng hay xin hỗ trợ cho phát triển rừng.
Bằng hệ thống tổ chức của mình, hội chủ rừng có thể tư vấn, trả lời hay giúp các hội viên có hiểu biết về các quy định, các chính sách về bảo vệ và phát triển rừng của nhà nước.
+ Ngoài ra hội có thể đại diện cho lợi ích của các hội viên trong việc phản ảnh hay đề nghị với chính quyền sở tại, các cơ quan, tổ chức lâm nghiệp có liên quan ở cơ sở hay báo cáo lên các cấp trên của hội về những vấn đề cần thiết.
2, Tổ chức hội ở cơ sở nên tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, nhưng có một mạng lưới cán bộ hội thường xuyên gắn bó chặt chẽ với mọi hội viên; Mỗi thôn có thể có 1 cán bộ hội (như người đại diện hay người liên lạc của hội với các hội viên). Các cán bộ hội ở xã và các thôn có thể là các cán bộ xã hay thôn kiêm nhiệm, nhưng được Đảng ủy, UBND xã chỉ định rõ ràng hay được các chủ rừng trong thôn nhất trí tiến cử.
Các cán bộ hội này có thể có một mức phụ cấp nhất định tùy vào khả năng quỹ hội có được.
Các cán bộ hội ở cơ sở đồng thời cũng luôn được tổ chức hội ở các cấp trên liên hệ bằng hệ thống thông tin chung, luôn được quan tâm hướng dẫn hoạt động và có trách nhiệm thông tin tình hình kịp thời lên tổ chức hội ở cấp trên.
Các cán bộ này như những cán bộ cốt cán của hội ở cơ sở. Mỗi cán bộ có sổ ghi chép về các chủ rừng (là các hội viên) theo mẫu thống nhất với những dữ liệu về rừng với các cách thức cập nhật rõ ràng hàng năm.
3, Về việc thu phí hội viên của hội ở cơ sở:
- Về nguyên tắc, hội viên của hội phải nộp hội phí hàng năm.
Tuy nhiên, hội phí cũng có thể được thỏa thuận của các hội viên trong việc trích ngay những khoản thu của hội viên thông qua hội (các thỏa thuận này có thể là những thỏa thuận riêng biệt ở từng cơ sở, cũng có thể là quy định chung của hội (ghi ngay trong điều lệ) và các chủ rừng đã đồng thuận khi tham gia hội.
Những khoản thu của các hội viên thông qua hội cũng có thể là các khoản thu từ “chi trả dịch vụ môi trường rừng”, hay từ dịch vụ REDD sau này.. của hội viên.
- Các nguồn thu khác từ hội viên có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp.
Các nguồn thu khác trực tiếp có thể là các dịch vụ cho hội viên về việc giúp lập (tư vấn) các văn bản cần thiết cho việc xin phép khai thác, vận chuyển gỗ,.. việc xin các nguồn hỗ trợ của nhà nước về phát triển rừng, việc xin cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững...
Các nguồn thu gián tiếp có thể là từ sự phối hợp hay sự giúp đỡ của cán bộ hội cho quỹ bảo vệ và phát triển rừng trong việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, hay các dự án có liên quan khác.
- Tất cả các khoản thu nộp đều có sổ sách rõ ràng, minh bạch, mọi khoản thu nộp đều được trích lại cho cơ sở và nộp lên cấp trên (vừa có nguồn thu cho hoạt động ở cấp trên, vừa nhằm để kiểm soát việc thu chi tài chính ở cơ sở).
4, Các cách thức thông tin trong hệ thống tổ chức của hội:
- Hội Chủ rừng Việt Nam trên phạm vi cả nước (trung ương) và Hội chủ rừng các tỉnh đều có trang WEB và cập nhật được vào hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng rừng, về các chủ rừng cũng như hệ thống theo dõi diễn biến rừng.. để luôn có thể cập nhật và thông tin nhanh nhất cho hội viên khi cần.
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trên các trang WEB của hội luôn sẵn sàng hỗ trợ cho từng hội viên mỗi khi có yêu cầu.
Những hỗ trợ cho hội viên về dữ liệu về rừng và các quy định luật pháp về rừng sẽ là miễn phí. Nguồn thu hội phí hàng năm cũng là nguồn trang trải cho các dịch vụ này của hội.
- Các nguồn thông tin từ cơ sở sẽ được chuyển theo 2 kênh chủ yếu: điện thoại di động (kể cả lời thoại và nhắn tin) và các báo cáo hay văn bản theo mẫu.
Các đề nghị về cung cấp dữ liệu về rừng của chủ rừng hay các yêu cầu về quy phạm pháp luật có thể được chuyển thẳng về cấp tỉnh (thậm chí là tham khảo đến cấp trung ương hội) và được đáp ứng tức thì.
Hệ thống thông tin 2 chiều sẽ được nghiên cứu nhằm thống nhất và mã hóa trong toàn hệ thống.
5, Một số vấn đề về quá trình hình thành tổ chức hội ở cơ sở:
- Việc hình thành tổ chức hội ở cơ sở chủ yếu dựa vào lòng nhiệt huyết của các thành viên tham gia tổ chức vận động thành lập hội.
Trong quá trình hình thành tổ chức hội, ngoài các chi phí cá nhân tự bỏ ra, các ban vận động hình thành hội có thể đề nghị hỗ trợ từ các tổ chức nhà nước có trách nhiệm, từ các tổ chức tài trợ trong và ngoài nước.
- Mạng lưới cơ sở hạ tầng thông tin của hội sẽ là những yếu tố rất quan trọng cho tổ chức hội và cần được quan tâm hình thành sớm cùng với quá trình thiết lập tổ chức hội ở các cấp. Mạng lưới thông tin sẽ bao gồm trang WEB của hội và các thiết bị kết nối của các cấp hội với trang WEB của hội và các cơ sở dữ liệu chung của ngành lâm nghiệp.
- Ban vận động thành lập tổ chức hội ở cơ sở có thể gồm một số chủ rừng tâm huyết và có những điều kiện hoạt động nhất định. Trong ban vận động có thể có một số đ/c có trách nhiệm ở các cơ quan lâm nghiệp ở địa phương; một số cán bộ quản lý lâm nghiệp đã nghỉ hưu, còn sức khỏe và nhiệt tình và một số cán bộ hoạt động tại các tổ chức (kể cả là các tổ chức phi chính phủ), như các Trung tâm, các Viện, Trường.. có liên quan..
Các ban vận động ở các địa phương nên thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ với Hội Chủ rừng Việt Nam trong quá trình hình thành tổ chức hội./.