CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG
CỦA HỘI CHỦ RỪNG VIỆT NAM NHIỆM KỲ I (2016 – 2021)
1. Đặc điểm tình hình
1.1 Về tổ chức Hội và hội viên
Hội Chủ rừng Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 2905/QĐ-BNV ngày 22 tháng 8 năm 2016 của Bộ Nội vụ “về việc cho phép thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam”. Hội được hình thành chủ yếu từ sự nhiệt tình của một số cán bộ am hiểu, tâm huyết với lâm nghiệp và sự tự nguyện gia nhập của một số chủ rừng là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở một số địa phương đại diện ở một số vùng miền trong cả nước. Trong quá trình chuẩn bị thành lập Hội được sự hỗ trợ tích cực của cơ quan Tổng cục Lâm nghiệp, các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế có quan tâm, như: Recoftc, Winrock, PanNature, WWF và nhiều cơ quan, tổ chức khác.
Cho đến ngày tổ chức Đại hội thành lập Hội, ngoài số 21 thành viên Ban vận động thành lập Hội, đã có 207 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đơn đăng ký tham gia Hội. Như vậy, Hội Chủ rừng Việt Nam đến hôm nay đã có 228 hội viên thành lập Hội.
Ban vận động cũng nhận được nhiều ý kiến đề nghị mở rộng diện vận động hội viên. Nhưng do điều kiện về không gian, thời gian, kinh nghiệm tổ chức và hạn hẹp về kinh phí ban đầu, cho nên còn nhiều các cá nhân và tổ chức ở các địa phương khác mà Ban vận động thành lập Hội chưa có điều kiện mời tham gia thành lập Hội trong bước đầu hình thành. Các cá nhân và tổ chức này sẽ là những đối tượng được Hội mời tham gia tổ chức Hội sau Đại hội thành lập.
1.2 Thuận lợi, khó khăn và thách thức
a) Những thuận lợi:
- Các văn bản luật và dưới luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức hội nghề nghiệp ngày càng được hoàn thiện, sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước cùng với xu hướng vận động và nguyện vọng của các chủ rừng Việt Nam đã mở đường và thúc đẩy thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam.
- Quá trình tiến tới thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các tổ chức trong nước và quốc tế liên quan hoạt động trong ngành lâm nghiệp tại Việt Nam.
- Kinh nghiệm chuẩn bị thành lập, kinh nghiệm tổ chức hoạt động của các hội nghề nghiệp đã ra đời trước cũng là những bài học hữu ích cho quá trình chuẩn bị thành lập và tổ chức hoạt động của Hội Chủ rừng Việt Nam.
b) Những khó khăn, thách thức
- Khó khăn khó tránh khỏi của Hội khi mới được thành lập, đó là lúng túng trong việc kiện toàn tổ chức, trong việc tổ chức các hoạt động của Hội;
- Tổ chức Hội chủ rừng hoạt động trên phạm vi cả nước, hội viên của Hội chủ yếu là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, có nhiều khó khăn; nhận thức về hội, ý thức tham gia hoạt động trong một tổ chức hội còn hạn chế.
- Các hội viên tham gia Hội là những chủ rừng chủ yếu là nông dân nghèo, vì vậy Hội Chủ rừng Việt Nam có nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động. Hội mới thành lập, không có tài trợ ban đầu ổn định, sẽ là một thách thức lớn cho hoạt động của Hội.
2. Mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2016 – 2021
- Phát triển hội viên và các tổ chức cơ sở Hội ở địa phương tại ít nhất 30 tỉnh trên cả nước.
- Tổ chức cho phần lớn các hội viên được tập huấn, thăm quan học hỏi hoặc trao đổi kinh nghiệm để thay đổi nhận thức, có khả năng tiếp cận thị trường, tài chính, công nghệ và kỹ thuật; nâng cao năng lực quản lý, quản trị rừng, tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất; hỗ trợ kỹ thuật cho các chủ rừng tiếp cận quản lý rừng bền vững..
- Phát triển và cung ứng được một số dịch vụ và tư vấn về nâng cao nhận thức, pháp luật, năng lực tiếp cận thị trường, quản lý cho hội viên, nâng cao uy tín của Hội Chủ rừng Việt Nam.
- Hàng năm có ít nhất 3 hoạt động đóng góp trực tiếp vào xây dựng pháp luật lâm nghiệp, cơ chế chính sách, các chương trình, đề án của ngành lâm nghiệp
- Hoàn thiện đủ các quy chế tổ chức và hoạt động của Hội từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng cơ bản đáp ứng quy chế phối hợp hoạt động cấp Trung ương và cơ sở.
- Xây dựng đáp ứng cơ bản các tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ của Hội và các thiết chế dịch vụ cho chủ rừng là các hộ gia đình; Hình thành hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu cần thiết. Đưa các hoạt động Hội phát triển theo hướng chuyên nghiệp và từng bước cung ứng các dịch vụ hỗ trợ hội viên như: cung cấp thông tin về rừng cho hội viên, hỗ trợ hội viên trong việc kiểm kê, thống kê rừng, hỗ trợ hội viên về thủ tục và tiếp cận các cơ quan nhà nước khi cần trong quản lý rừng; chứng nhận nguồn gốc, chất lượng giống cây trồng và nguồn gốc gỗ hợp pháp.
- Mở rộng quan hệ của Hội Chủ rừng Việt Nam với các tổ chức quốc tế liên quan đến rừng.
3. Những hoạt động chính của Hội nhiệm kỳ I (2016 – 2021)
3.1. Củng cố tổ chức Hội và phát triển hội viên
- Hình thành các tổ chức để Hội đi vào hoạt động nề nếp, tiến tới chuyên nghiệp. Phân công và duy trì hoạt động của Ban chấp hành, Ban thường vụ, hình thành các phòng ban, bộ phận và phân công công việc phù hợp, đáp ứng với quá trình phát triển của Hội.
- Tiếp tục tuyên truyền cho các chủ rừng ở các địa phương về tôn chỉ mục đích của Hội, Điều lệ Hội để vận động các chủ rừng tự nguyện tham gia, phát triển hội viên.
- Hoàn thiện, mở rộng và củng cố tổ chức Hội ở các cấp từ Trung ương tới cơ sở; hoàn thiện các cơ chế, quy chế hoạt động và mối quan hệ của Hội các cấp.
- Hình thành và hoàn thiện các tổ chức, thiết chế hoạt động của Hội, thiết chế cung ứng dịch vụ thuộc Hội.
3.2. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho hội viên là chủ rừng
Tập trung vào nâng cao nhận thức và các năng lực như: tiếp cận thị trường, tài chính, công nghệ và kỹ thuật; nâng cao năng lực quản lý, quản trị, tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất; tư vấn pháp luật…. bằng các hoạt động cụ thể:
- Mở các lớp đào tạo, tập huấn.
- Cử các Hội viên tiêu biểu tham gia các lớp đào tạo tập huấn viên (TOT), thăm quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương hoặc chương trình, dự án.
- Triển khai các mô hình trình diễn, thí điểm để nhân rộng điển hình.
- Tổ chức các diễn đàn để các hội viên có cơ hội tham gia.
- Các hoạt động thông tin tuyên truyền tới từng hội viên.
- Các hoạt động khác liên quan để nâng cao nhận thức và năng lực cho hội viên.
3.3. Tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật, chính sách ở Trung ương và địa phương.
- Hội Chủ rừng Việt Nam ở cấp trung ương tiến hành một số nghiên cứu, khảo sát và tập hợp ý kiến hội viên để tham gia với các cơ quan nhà nước về một số cơ chế, chính sách cần thiết trong quản lý, quản trị rừng, nhất là những vấn đề trực tiếp liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ rừng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là tham gia vào quá trình thảo luận, xây dựng Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) đang được tổ chức rộng rãi hiện nay.
- Các tổ chức cơ sở Hội Chủ rừng ở các địa phương lựa chọn những vấn đề thiết thực để có ý kiến với các cơ quan chính quyền địa phương về các cơ chế, chính sách liên quan đến chủ rừng ở địa phương.
- Hội Chủ rừng Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ phản biện về chính sách khi có yêu cầu hoặc khi có tình huống chính sách.
- Thông qua cơ chế vận hành chính sách để liên kết chặt chẽ với các tổ chức, từng bước tham gia vào các chương trình dịch vụ liên quan đến các chủ rừng về PFES, REDD và Chứng chỉ rừng bền vững; tham gia tư vấn cho chủ rừng trong các chương trình đó, nhằm đóng góp, phản ánh những kiến nghị chính đáng của các chủ rừng.
3.4. Xây dựng các thiết chế hoạt động thuộc Hội và bước đầu thực hiện các dịch vụ cho chủ rừng
- Hình thành các trung tâm cung ứng các dịch vụ cho hội viên là các hộ chủ rừng như: hướng dẫn và tư vấn kỹ thuật đối với một sô cây con đặc sản mà hộ chủ rừng có nhu cầu phát triển. Tư vấn về thủ tục cấp phép…
3.5. Mở rộng mối liên kết với các tổ chức quốc tế liên quan về rừng
- Duy trì và phát triển mối liên hệ với các tổ chức quốc tế liên quan đến rừng đang hoạt động tại Việt Nam. Có những thảo luận lồng ghép cụ thể trong từng dự án để tranh thủ được các nguồn lực hỗ trợ cho các chủ rừng phát triển.
- Quảng bá rộng rãi để tạo dựng các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế khác để vừa nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, vừa tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế cho phát triển công tác chuyên môn của Hội.
4. Một số giải pháp
- Trong quá trình hình thành và phát triển tổ chức, Hội hết sức chú trọng việc nâng cao năng lực chuyên môn và động viên sự cống hiến của bộ máy lãnh đạo quản lý và nhận thức của hội viên.
- Việc hình thành tổ chức và hoạt động của Hội luôn được triển khai từ xây dựng điểm (mô hình) sang mở rộng diện, có tổng kết mô hình, hướng dẫn mở rộng diện thật cụ thể, rõ ràng;
- Xây dựng quy chế tự chủ tài chính và các hoạt động của Hội. Tận dụng tối đa sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong nước và các cơ quan, tổ chức nhà nước có liên quan.
- Trong những bước đi ban đầu của việc hình thành tổ chức, Hội Chủ rừng Việt Nam luôn trân trọng sự nhiệt huyết của các cá nhân và tổ chức vì sự phát triển của các chủ rừng cũng như sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp Việt Nam. Hội cũng kiến nghị sự quan tâm chỉ đạo và tranh thủ sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp; đón nhận sự hợp tác giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế có liên quan để vừa nâng cao cả về năng lực hoạt động, cơ sở vật chất và nguồn tài chính cho các hoạt động của Hội./.